hoàn diệp liễu màu nhạt xen kẽ với ngọn cây nhọn hoắt, thẫm màu của tùng
bách. Tùng bách vẫn tiếp tục mọc cao lên, và bây giờ đám lá xanh um tùm
của chúng chỉ để lọt một vài tia nắng mặt trời xuống tới những cây hoàn diệp
liễu.
Bây giờ là giai đoạn chót: dưới bóng những cây tùng bách, những cây
hoàn diệp liễu khô héo, cằn cỗi dần. Rừng tùng bách đã trở lại chiếm lĩnh trận
địa cũ của mình.
Các loại cây đã giao tranh với nhau như thế đó, khi lưỡi rìu của con người
can thiệp vào đời sống của chúng.
Nhưng chiến tranh giữa các rừng cây cỏn gay go hơn nhiều ở những thời
kỳ xa xôi, khi các băng hà với khí lạnh chết người đến can thiệp vào sự tranh
chấp của chúng.
Cái hơi lạnh giá của băng hà lan đến đâu là giết chết những thảo mộc
vùng ôn đới ở đó, mở đường sống cho các giống cây cỏ vùng hàn đới phía
bắc. Các cây thông, tùng bách và bạch dương tấn công, buộc các cây sồi và
bồ đề rút lui, và những cây này lại đến chiếm chỗ của những cây lá xanh tốt
quanh năm như cây nguyệt quế, cây vả, cây mộc lan.
Ở những miền trống trải, mưa gió tứ bề, các cây cối nhiệt đới càng khó
sống sót và đành chết đi, nhường chỗ cho những cây ở phía bắc tràn xuống, ở
vùng núi thì chúng chống đỡ thuận lợi hơn.
Chúng cố thủ trong những thung lũng khuất gió, tựa như những chiến sĩ
bị bao vây cố thủ trong pháo đài. Nhưng chả bao lâu đã thấy những băng hà
từ những núi cao tràn về làm cho các cây tùng bách và bạch dương thắng thế.
Cuộc vật lộn giành quyền sống giữa các rừng cây đó đã kéo dài hàng
nghìn năm. Những đám tàn quân bại trận - tức là những cây nhiệt đới - cứ lùi
dần mãi xuống miền nam.
Trong khi đó, số phận các con vật sống ở những rừng cây bại trận đó ra
sao?