- Hôm qua họp ở tiểu đoàn ông phó Nam có nói nhỏ cho tôi biết là tình
hình càng ngày càng bết bát. Ổng dặn tôi bảo lính nên tiết kiệm đạn...
Ba chắt lưỡi.
- Tiết kiệm gì nữa trung úy... Mình có đủ đạn đâu mà tiết kiệm. Sau cái hiệp
định Ba Lăng Nhăng...
Bính ngắt lời Ba bằng một tiếng chửi thề rồi mới nói tiếp.
- Cái tờ hiệp định đó chỉ đáng làm giấy chùi đít tao... Mẹ nó bắt mình
không được vượt biên giới mà tụi bộ đội thời cứ vi phạm đều đều cho ta.
Chẳng có thằng nào làm đách gì nó...
Quát cười buồn. Cấp số đạn phát cho lính cứ giảm dần. Chả bù hồi mùa hè
đỏ lửa. Tha hồ bắn và tha hồ lãnh đạn. Bây giờ từ hai cấp số xuống còn
một. Xin phi pháo lại càng khó hơn. Năn nỉ gãy lưỡi, gọi khan cả cổ thời
pháo chỉ dập vài trái rồi nín khe. Trong khi đó địch có đủ mọi ưu thế về hỏa
lực và quân số. Địch luôn luôn xử dụng hai đại đội hoặc tiểu đoàn trừ để
đánh đại đội của anh. Đó là chưa kể tăng đi kèm. Muốn diệt tăng là phải có
Tow hoặc M72, mà mấy thứ này bây giờ còn quí hơn hột xoàn. Nguyên đại
đội lèo tèo có năm ba trái M72. Quát nhận ra một điều là lính bắt đầu
xuống tinh thần vì nhiều lý do trong đó có tình trạng thiếu thốn đạn dược và
lương thực. Tự ngàn xưa cho tới bây giờ lương thực lúc nào cũng là vấn đề
sinh tử cho quân đội. Quân Mông Cổ, một đạo binh bách chiến bách thắng
thế mà ba lần sang đánh nước ta đều phải rút chạy chỉ vì lý do thiếu lương
thực.