xầm từ nơi đám học trò đang tụ tập trước cổng. Kín đáo quan sát nàng đoán
họ là học sinh đệ nhị hoặc đệ nhất.
- Cô giáo mới đó tụi bây...
- Cổ dạy lớp nào?
- Hình như đệ tứ...
- Cô ơi cô đẹp mà dạy con nít uổng lắm cô ơi...
Duyên làm mặt nghiêm như không nghe những lời chọc ghẹo của đám học
trò lớn tuổi. Vào tới văn phòng, đọc thời khóa biểu nàng biết mình không
có giờ Việt Văn ở lớp đệ tứ A2. Bỗng dưng nàng cảm thấy buồn buồn.
Nàng tự hỏi tại sao mình lại buồn. Có gì đâu mà buồn.
Quát ngồi im nhìn ra khung cửa sổ. Tiếng ông thầy dạy môn Công Dân
Giáo Dục vang đều đều bên tai anh. Công Dân là một trong mấy môn học
mà anh chán nhất huống hồ gì ông Chí giảng bài như đọc kinh nên còn
chán hơn nữa. Ổng đọc kinh nhật tụng... Người ta dạy học trò về bổn phận
làm một công dân. Phải tuân hành luật pháp. Phải yêu nước. Phải hiếu thảo
với cha mẹ. Phải thương người. Thương người như thể thương thân. Cũng
được đi... Nhưng tại sao người ta không dạy học trò yêu. Bộ học trò không
biết yêu à... Bộ yêu là độc quyền của người lớn à... Thơ văn, sách vở, báo
chí nói tới yêu... Thiên hạ nói tới yêu ở ngoài chợ, trên xe buýt, trong nhà...
Ở đâu cũng nói yêu thế mà lại không cho phép học trò nói, viết, và bàn luận
về yêu. Nếu cấm đoán được, người ta cũng dám cấm học trò suy nghĩ về
yêu... Anh mỉm cười một mình nhớ lại lời của thầy Doãn Quốc Sỹ nói về
cái chính sách gì đó như là ba khoan ở miền bắc. Thứ nhất là khoan yêu.
Bảo trai gái khoan yêu là độc ác. Chắc mấy ông lớn ở ngoài bắc không biết
yêu hoặc không bao giờ yêu. Hoặc mấy ổng không có trái tim. Hoặc mấy
ổng có trái tim mà trái tim bằng đá hay trái tim hóa đá nên mới bảo người
khác khoan yêu. Đã thế khi người ta yêu nhau rồi thời lại bảo khoan lấy
nhau, khoan thành vợ chồng. Hai người yêu nhau thời mong ước lớn nhất
của họ là được lấy nhau, được thành vợ chồng để sống đời với nhau. Lại
thêm một điều ác và điều ác này ngẫm ra còn ác hơn nữa. Quát lắc lắc đầu