cho một trong số các "cậu" đó. Cháu sẽ thù người "cậu" thắng trận và
những người cậu bại trận cũng bị thù lây. Như trong việc tổng kết phân
loại về kế hoạch, các vật có chung đặc tính được xếp chung vào một bộ,
nhiều bộ có chung đặc tính được xếp chung vào một lớp, nhiều lớp vào một
ngành.. vân vân.. họ "cậu" biến thành thù nghịch vì có chung đặc tính với
người cậu thành công.
Nghĩ đến đây, anh bỗng thấy thương hại cho Cường vừa không an tâm
cho mình. Đứa bé ngây thơ dịu dàng trước mặt anh đó, đứa bé vâng lời kề
mũi lại gần để hôn lên má anh, đứa bé ấy một ngày kia sẽ thành chàng trai
vạm vỡ tóc bỏ lòa xòa trước trán, đi giày đơ-mi-bốt và lăn xả vào đấm đá
với kẻ khác để dành người yêu. Người mẹ xa cách nó, chỉ còn "mẹ" có một
nửa vì một nửa tâm hồn đã dành cho "cậu".
Cường đang chạy đuổi theo một con dế. Con dế nhảy từng nhảy tới
tấp, chui trốn xuống hang. Cường vạch lá, bới cỏ sục sạo tìm cho được.
Khi anh đi lại can thiệp thì một càng dế đã nằm giữa hai ngón tay của
cháu. Sự việc xảy ra buổi chiều làm tối đó anh không được vui. Anh đưa em
đi xi-nê mà tâm hồn để đâu đâu, thậm chí quên cả việc mua theo gói kẹo
mặc dù cô hàng kẹo ngồi ngay ở cửa rạp. Chúng ta đã chọn một phim ca
vũ nhạc với tình tiết và lối bố cục nhảm nhí rẻ tiền. Cái gì cũng được giải
quyết êm thấm, toàn hảo; những dịp may rủ nhau đến theo kiểu "trúng số
độc đắc cá cặp". Cuộc đời thật nhất định không thể giống cái xã hội tô màu
hồng lòe loẹt này. Anh mới thử bước một chân tới gần em mà khó khăn đã
vội vàng do dự tưởng dựng lên. Dự tưởng và thực tế chắc còn cách nhau
xa. Dự tưởng chắc chỉ trù liệu được một phần tư, một phần năm thực tế.
Sau khi mãn tuồng, anh đưa em đi ăn khuya ở Lạc Cảnh. Em vừa
khuấy thìa vào bát cháo vừa nhắc đến những ngày kháng chiến chúng ta ăn
cơm pô-pốt
ở Phú Hòa, cơm gạo đỏ và canh "toàn quốc" (nghĩa là canh
chỉ toàn những nước, quơ đũa mãi mà không tìm ra được miếng thịt). Em
hỏi:
- Sao lúc ấy anh thờ ơ với em thế?