Vài ngón tay giơ lên xin thêm giấy thi, nàng cầm giấy đem xuống phát
cho họ. Phong nhìn đôi vai tròn, hàng orlon mỏng màu hoa bèo uốn theo
thân hình. Gót chân đi thoăn thoắt nhanh nhẹn. Khi nàng trở lại bàn, chàng
giao cho việc lập bản danh sách những thí sinh nộp bài. Chàng nói:
- Khi thí sinh nộp bài, cô nhớ xem bài thi có ghi số ký danh không.
Nhận bài xong cô bắt họ ký và cô mới giao trả thẻ thí sinh cho họ. Coi
chừng kẻo họ chưa nộp bài mà đã ra khỏi phòng. Mất bài là nguy lắm. Cô
sẽ được đổi đi, không phải về Sài Gòn như ba cô xin mà về Kontum hay
Pleiku đó.
Nàng mỉm cười:
- Ông cũng vậy.
- Đâu có được "cũng vậy"? Khổ nhất là tôi sẽ phải đi Côn Sơn hay
Quảng Đức.
Một vài thí sinh lác đác nộp bài. Khi tiếng trống báo hiệu mãn giờ thi
cả hai túi bụi vừa thu bài vừa bắt ký vừa tìm thẻ thí sinh để trả lại vừa trông
chừng ra cửa kẻo có thí sinh bỏ phòng ra đi. Khi công việc đã yên ổn, khi
tất cả thí sinh đã ra khỏi phòng rồi, khi kiểm lại số bài thi thấy đủ, chàng
bảo:
- Thế là trót lọt buổi sáng nay. Cô có thể thở ra được rồi.
Trong khi xếp lại bài thi theo thứ tự chàng hỏi:
- Cô dạy lớp Nhất phải không?
- Thưa ông không. Em dạy lớp Ba.
- Sao ít vậy?
- Em có con nhỏ, bà hiệu trưởng cho dạy lớp nhỏ để đỡ nhọc.
Phong quay lại nhìn nàng. Có con nhỏ? Đã có chồng rồi sao? Có
chồng? Loáng trong một giây, từ một hình ảnh thiếu nữ mỹ miều, chàng
thấy nàng chợt biến thành một thiếu phụ cam chịu.
- Chồng cô làm gì?
- Chồng em buôn bán
- Người Bắc?
- Thưa không. Anh ấy người Huế.
- Sao cô không lấy chồng người Bắc cho gần gũi?