kia đường. Hàng bông giấy mọc ở trụ cổng nhà ai kia nở ra những chùm
hoa đỏ tươi. Màu hoa đỏ yêu đời tưng bừng điểm rải rác giữa nền lá xanh
giúp nàng vui vui trở lại. Mùi tanh nhạt pha vị mặn của gió biển ở ngoài
khơi thổi vào, cái cảm giác mát lành lạnh của nước như quạt nhẹ vào đến
tận tâm hồn. Nàng tiếp tục giảng lại bài cho đến khi bác Cai xổ kiểng bãi
học.
Mấy hôm nay trời lất phất mưa, học sinh học xuất sau được nhà
trường cho phép vào đứng ở sân lợp. Một số nam học sinh lớp Đệ Nhất, Đệ
Nhị, lảng vảng đứng ở cửa sổ lớp học giữa lúc nàng giảng bài. Sự có mặt
của những người lạ làm các nữ sinh ngồi học không được tự nhiên. Liên đã
báo cho ông Giám thị biết và ông đã đến đuổi mấy bận nhưng sau đó học
sinh lại trở lại. Có anh thô lỗ đứng phê bình sắc đẹp, có anh huýt sáo nho
nhỏ. Những anh học sinh này thường mặc quần áo bó sát vào người trông
như những cuốn chả giò, tóc chải tém và đi giày mũi nhọn. Liên đau xót
khi nhìn một hai quyển vở bị xếp đôi nhét vào túi quần sau của họ, những
quyển vỡ mà lúc đi học nàng trân trọng giữ gìn như những người bạn nhỏ.
Mấy nữ sinh ngồi sát cửa sổ nghiêm nét mặt lại nhíu mày chú ý trong một
nét đau khổ. Họ như có mặc cảm tội lỗi mặc dù họ không có lỗi gì hết. Vài
cô liếc mắt một nửa nhìn xem ngoài kia người ta làm gì. Liên thấy chịu
đựng không được nữa nên đi ra ngoài lớp.
- Mời các anh đi qua sân lợp để cho các em học.
Một số lớn đi dãn ra. Một số khác vẫn bất động. Có tiếng nói hỗn
xược.
- Trời mưa mà, cô.
- Nhưng ở sân lợp không ướt.
Không có tiếng trả lời và cái khối người vẫn bất động. Nàng giận quá
nhưng biết làm gì đây? Lại đi gọi ông Giám thị tức là tự nhận không biết
đến lần thứ mấy sự bất lực của mình, sự bất lực cụ thể về hình vóc và
quyền uy. Nàng nghĩ: chỉ có sức mạnh tàn bạo mới trị được những tâm hồn
vũ phu kia. Giữa lúc nàng bối rối thì có tiếng giày ở phòng bên cạnh đi ra.
Mấy người học sinh lẳng lặng tản hết. Thầy Phúc - vì tiếng giày vừa rồi là
của thầy Phúc - nhìn nàng khẽ cúi chào rồi khiêm tốn bước vào lớp. Nàng