muốn nói một lời cám ơn nhưng Phúc đã không đứng đó nữa. Phúc là một
bạn đồng nghiệp cũng đổi về dạy ở đây cùng một năm với nàng. Đó là một
chàng trai im lặng. Nàng lưu ý đến Phúc nhân một bữa tiệc có mời đủ các
giáo chức trường công và trường tư của thành phố. Dãy ghế các cô giáo,
nhất là những cô giáo đẹp thu hút được nhiều con mắt hơn hết. Một số thầy
giáo trẻ ngồi chụm đầu vào nhau bàn tán ồn ào, thích cánh, vỗ vai với
những con mắt ngầm ra hiệu cho nhau. Sau những diễn từ chúc từ mà
người ta đoán trước được nội dung đến phần không thể thiếu được trong
mọi cuộc ăn uống, - dù vui ăn vài cái bánh ngọt - là yêu cầu hát. Nhóm thầy
giáo trẻ náo hoạt lên ngay:
- Yêu cầu cô Tuyết Thu hát một bài.
- Yêu cầu.
- Yêu cầu chị Xuân Anh.
- Yêu cầu chị Liên hát bài "Nửa đêm ngoài phố".
- Yêu cầu cô Yến hát bài Bambino.
Những lời mời mọc, chối từ, nài nỉ kéo dài. Liên chú ý đến Phúc ngồi
im lặng, bơ vơ lạc lõng. Lâu lâu nàng bắt gặp một tia mắt chàng đưa nhìn
về dãy cây phượng trước sân.
Sau đó có những cuộc hội nghị hàng tháng, những cuộc chạm mặt ở
hành lang trường. Lần nào Liên cũng lúng túng nhận cái chào lặng lẽ của
Phúc. Sau phút lúng túng nàng có cái cảm giác êm ả được gặp một người
bạn lễ độ. Im lặng không hẳn là cái thái độ mà nàng yêu thích, nhưng quả
tình người im lặng làm nàng nể hơn. Nhiều lần nàng đã phải bảo với những
học sinh vừa lười vừa ồn ào rằng:
- Các anh hãy nhìn một người bạn trong lớp, anh Chúng đó (nàng đợi
dịp anh Chúng vắng mặt mới nói). Anh Chúng học không giỏi, không chăm
nhưng được cái hay là không nói chuyện. Anh không thuộc bài bao giờ,
làm bài thì kém cỏi, nhưng tôi chưa bao giờ nỡ nói nặng anh một lời. Chỉ vì
cái vẻ nghiêm nghị lễ độ của anh. Nhác học không phải là ưu điểm, tất
nhiên, nhưng đã nhác học mà còn mượn sự liến thoắng ồn ào để gây cho
mình cái ảo tưởng là mình thông minh hoạt bát thì nguy hiểm lắm. Khi anh