keo chín muộn mổ từng hồi. Mình chim đong đưa qua lại và đôi cánh xập
xòe để giữ thăng bằng. Một con đi lững thững dưới đất cát, chốc chốc cất
tiếng gọi. Chắc đó là con chim trống vì tiếng gọi vang lanh lảnh. Mỗi lần
nghe chim trống gọi, chim mái ngừng mổ rồi trả lời bằng một giọng ríu rít
nho nhỏ. Yên tâm vì bạn mình còn đó, con chim trống lại thong dong đếm
bước rồi một chốc lại gọi. Một lát sau nó vù cánh bay lên cành keo đứng
cạnh chim mái và sung sướng cất tiếng hót. Tiếng hót vang lảnh lót ấm áp
và mơn trớn ngọt ngào có sức quyến rũ như một tiếng gọi yêu thương. Đôi
chim xinh đẹp lông mướt màu trắng nhạt và đôi cánh điểm lông đen.
Liên vui lây cuộc đời hạnh phúc của đôi chim. Vạn vật vui vẻ dường
ấy. Cây keo tưng bừng nở hoa kết trái. Hai con chim quấn quít gọi nhau.
Nàng nhớ đến Phúc, nhớ đến lời Phúc nói với mình về cô đào Gia Scala:
"Tình yêu vô vọng có một vẻ gì đau xót... có lẽ đẹp hơn bền hơn
những mối tình có kết quả". Nàng đâu có ngờ rằng đó là lời thổ lộ tâm sự
cuối cùng của Phúc.
Niên khóa tiếp tục. Cuộc đời của Liên lại được gắn liền với cuộc đời
của những học trò của mình. Nàng nhẫn nại làm việc, âm thầm cố gắng.
Những tật xấu nhỏ của học sinh một khi đã quen đi, nàng chuyển sang
khám phá những ưu điểm của họ.
Chị Cháu học đến lớp đệ Tứ mà những buổi mai nào không có giờ học
là gánh hoa đi chợ bán với mẹ. Một lần nàng đi dạy về thoáng thấy Cháu
gánh một cặp giỏ không đi chợ về, đi bên cạnh mẹ. Nàng sợ Cháu ngượng
nên tránh xa ra, không ngờ Cháu nhanh mắt thấy nàng rảo bước tới và giới
thiệu nàng cho mẹ biết để mẹ chào. Hai mẹ con vui tươi như không hề để ý
đến bộ quần áo đen bạc màu của mình, đến những đôi guốc mộc, đến bộ
mặt nhễ nhại mồ hôi. Người ngượng, ngược lại, lại chính là Liên. Nàng
thấy mình nhàn nhã quá, mình được ưu đãi nhiều quá.
Trò Út mới học đệ Thất mà đã thay cha đi giữ rẫy. Út cầm rựa đi trong
đêm tối, ngủ ở chòi cao, trong khi một số bạn cùng lớp ở giữa phố mà tối
không dám đi tiểu một mình. Sự mẫn cán, sức tháo vát của nhiều em học
sinh khiến Liên mến phục. Tùy theo nghề nghiệp của cha mẹ mà có em
may vá, sửa xe, xay bột, làm bánh, thu hàng, bày hàng. Mỗi người học sinh