Dấu Chân Sa Mạc
K
hi tôi bắt đầu có trí khôn thì trong những khuôn mặt người quen
thuộc hoạt động lẫn lộn giữa cái thế giới âm thầm nhỏ bé của tôi, tôi nhận
thấy có khuôn mặt của cô Ba Hường. Nhà cô ở sát vách nhà tôi, ngăn cách
bởi một bờ thành bằng gạch cao. Dù chưa bao giờ tôi hỏi cha tôi hay một
bực trưởng thượng nào, nhưng tôi chắc chắn bức thành đó là do cô bỏ tiền
xây cất lấy. Một công trình kiến trúc như vậy thật lạ đối với quê tôi, một
làng nghèo mà những hàng rào ngăn cách nhà nọ với nhà kia chỉ là những
hàng cây chành rành. Rào qua hai mùa mưa thì cây chành rành đổi sang
màu xám xỉn, buồn nản. Những kỳ mưa to gió lớn, từng mảng rào như vậy
ngã qua quặt lại khiến sân nhà nào cũng như rộng thêm ra, sáng sủa hẳn
lên. Một số hàng rào khác trồng bằng cây xanh: cây táo nhơn, cây keo, cây
lưỡi long. Rào như thế này khỏi tốn tiền mà còn có lợi.
Sang tháng Bảy, tháng Tám, để chuẩn bị đón những trận bão, nhà nào
cũng lo chặt cây rào. Nhà có thang phải tuần tự cho hàng mươi nhà khác
mượn, thậm chí phải cho mượn cả rựa nữa. Chen vào giữa tiếng rựa chặt
chan chát, tiếng người nầy nói chuyện với người kia vang lanh lảnh giữa
những chạng cây, lưng chừng mái nhà như những con chim trò chuyện. Cả
xóm rộn ràng hoạt động hẳn lên. Trẻ con đứng đợi lượm tổ chim, tổ chào
mào tròn trịa như những cái chén, ổ dồng dộc móc đong đưa ở những
nhánh keo đầy gai. Cây ngã xuống đường, người ta kéo dồn xếp lại, lôi cả
sỏi đá làm bụi bay tung. Lũ trẻ reo hò đi theo sau, mừng như đám rước.
Đứa thì đội lên đầu một cái tổ dồng dộc dài ngoẵng, nhọn hoắt, đứa thì lưng
cõng em mà hai bàn chân xỏ vào hai cái ổ dồng dộc vừa đi vừa kéo lê lết
giả như đi hia. Đó, sinh hoạt của xóm tôi liên quan đến cái hàng rào. Thành
ra khi nhìn bờ thành của nhà cô Ba Hường, tôi có cảm tưởng nó là ranh giới
cách biệt hẳn chúng tôi với một xã hội nào khác, với một thế giới nào xa lạ
hoàn toàn. Cái bờ thành xây bằng gạch tô vôi chạy thẳng tắp của cô không
gây nên một sự sinh hoạt nào hết. Qua nhiều năm tháng gió mưa, nó ngả