chơi nhà cô, cô cho ăn thả cửa: bánh ít, chuối, mãng cầu... Những món ăn
thường thường quá úng hoặc gần thiu. Khi về, mẹ tôi rầy:
- Con đừng tham ăn, xấu lắm. Đã dặn nhiều lần, ai cho cũng đừng lấy.
Rồi sau đó mẹ nói với cha tôi:
- Cho trẻ con mà cứ cho những bánh gần thiu, chuối sắp úng.
Cha tôi ung dung cười:
- Chắc cô ta không biết. Ở một mình, mua ăn không hết, thiu úng
không hay.
- Sao lại không biết, không hay. Tại tánh hà tiện.
- Điều đó thì cũng có.
Trong câu chuyện giữa mẹ tôi và cô Ba Hường tôi thường nghe mẹ tôi
hỏi:
- Sao cô Ba không bước đi bước nữa? Nhà cô tòa cao lẫm lớn mà ở
một mình ngó đơn chiếc quá.
Cô Ba trả lời chậm rãi ngập ngừng:
- Bước đi bước nữa thì cũng được, cũng phải phép. Còn ở thế này thì
được cái thong thả.
- Người ta ai cũng vậy, phàm đũa phải có đôi.
Cô Ba tỏ dáng ít hăng hái bàn đến chuyện lứa đôi. Cô hay nói tới
ruộng đất, giá lúa giá nếp cao hay hạ, đập Tam Giang, đập Đồng Cháy, đập
Tấn Lương, đập Giá Dện nước lên xuống mực nào, nước về đồng kịp hay
không, mương cái, mương con vét sạch hay bị bèo cản... cô nói thông thạo
và say mê. Lúa gòn, lúa trắng, lúa ba thóc, lúa móng chim, lúa nhe, lúa
Đồng Nai... nếp tượng, nếp lùn... đất nào gieo giống nào, mùa nào sạ thứ
nào... miệng cô nói cứ dẻo quánh. Mẹ tôi làm tai nghe. Chỉ có tá điền mới
lời qua tiếng lại với cô khi cô vi phạm vào mục chuyên môn của họ. Do đó
cứ năm, mười bữa nửa tháng thì nghe bên cô có tiếng cãi cọ. Cô đàn áp tá
điền. Họ chịu nhịn nhưng về nhà cứ làm theo ý họ. Cô đòi ruộng lại. Giằng
co. Cô hăm đi kiện. Nài nỉ. Cuối cùng thì cô thắng trận. Vùng tôi ruộng đất
ít mà người tá điền đông. Có người chiều nịnh cô đưa con gái tới ở cho cô
sai vặt.