rồi lấy rổ khâu của mẹ tôi rút kim chỉ ra ngồi vá, đính nút. Tôi hay ngồi bên
cạnh xỏ kim cho Ngoại. Lâu lâu tôi thấy nước mắt Ngoại rớt trên mụn vải
đang vá. Tôi nói:
- Bà Ngoại đừng khóc chớ. Ướt cái áo của con.
Ngoại ngửng mặt lên, đôi mắt đỏ và ướt đầm đìa nước mắt. Ngoại nói:
- Cha con mày có muốn ở thế này cũng không được. Phải như mày là
con gái thì còn giúp đỡ được việc nhà cho cha mày. Con trai phải đi học.
Tôi thích làm con gái để được "ở thế này" như lời Ngoại nói. Chắc đó
là điều Ngoại mong ước.
Có một hôm chú Giáo, - một người bạn thân của cha tôi, - thân mật
nói giữa câu chuyện:
- Hay là anh đi hỏi cô Ba Hường đi. Trai góa vợ, gái góa chồng, rổ
rách cạp vành, chọn lựa chi.
Tôi đưa mắt nhìn ý kiến của cha tôi, nhưng tôi thấy ông chỉ mỉm cười.
Dầu vậy câu nói của chú Giáo in sâu vào óc tôi và từ đó tôi lưu ý đến sự
giao thiệp giữa cô Ba và cha tôi nhiều hơn. Tôi thấy rằng từ ngày đoạn tang
mẹ tôi, hiển nhiên là cô tỏ ý thương tôi nhiều hơn trước. Chuối cô bẻ cho
đều chín tới chớ không còn mang vài vết bầm đen nữa. Mãng cầu thì lành
lặn chớ không nứt nẻ chảy tươm mật ra nữa. Có lần cha tôi bị cảm tôi lục
tìm ve dầu mà không biết lộn ở đâu, nhà đàn ông góa vợ bao giờ cũng bề
bộn, thì có tiếng cô Ba kêu tên tôi ở từ bờ thành:
- Tiến ơi.
Tôi "Dạ" chạy lại thì thấy cô giơ cao ve dầu Nhị thiên đưa qua bờ
thành:
- Đem về thoa lên màng tang cho cha. Chấm vào đầu ngón tay rồi thoa
dọc theo xương sống.
Tôi "Dạ", cầm lấy ve dầu xoay lưng bước đi, thì có tiếng cô dặn với
theo:
- Thoa xong con nhớ đậy nút lại kẻo đổ.
Lạ nhỉ, sao cô biết là cha tôi đau và tôi đang lục tìm ve dầu? Ở nhà tôi
ai cũng ít nói. Con nhỏ ở suýt soát bằng tuổi tôi và vốn là con của một
người có họ xa ở mãi chợ Đồn, chợ Thứ, cha tôi đi hàng nửa ngày đường