- Sao lại chẳng bao nhiêu? Đàn ông giàu dung thứ được vợ nghèo.
Đàn bà giàu thì không.
Mối cảm tình của cha tôi đối cô Ba cứ lững chững như thế, như một
người đi phải chống gậy. Cho đến một hôm vô tình mà cha tôi và tôi nghe
lọt một câu chuyện ở bên kia nhà cô Ba. Hôm ấy tôi theo ngồi cạnh cha tôi
để moi lỗ trồng những cây cà chua ở ven rào. Bên kia bờ thành tiếng cô Ba
nói chuyện với khách, giọng nói đặc biệt dõng dạc rổn rang. Chẳng biết đó
là do thói quen hách dịch của người giàu có hay là biểu hiện của một tướng
người đàn bà cô độc. Khách là ông hương kiểm Mót. Khi nhà nước triều
đại Pétain phát triển phong trào thanh niên thể thao Ducaroy lập sân vận
động An Thổ, hương kiểm Mót có lạc quyên năm mươi đồng và được
thưởng hàm Phó tổng dụng. Nhưng dân xóm không mấy ai chịu gọi là ông
Phó. Khi vắng mặt ông, họ vẫn gọi xách mé là hương kiểm Mót. Chỉ vì ông
xuất thân làm nghề thiến heo, dốt đến nỗi cầm cây viết tập viết bốn chữ
"Nguyễn Mót tự ký" mà tay cứ run khựng lên, tập cả tháng mà cầm viết
cũng chưa vững. Đã vậy, "Mót" là một chữ Nôm, cách viết rườm rà phức
ạp hơn chữ Hán nên người bà con đổi dùm tên ông lại là Nguyễn Thủ, bởi
chữ Thủ viết đơn giản chỉ gồm ba nét ngang và một cái sổ móc câu. Sống
trong thời đại không cần lập giấy khai sinh, cuộc đời thật đơn giản dễ chịu,
muốn thay đổi tên họ thêm bớt tuổi tác gì tùy ý.
Câu chuyện lọt vào tai cha tôi nhằm vào đoạn hương kiểm Mót nói về
một nhân vật nào đó. Giọng ông ta nhỏ lại để tăng thêm không khí tâm sự
thân mật. Tôi chỉ nghe lỏng bỏng từng đoạn.
- ... Làm việc ở Huyện... về hưu... giàu... con lớn hết rồi... bao chiếm
cái đầm lác ở Hội Phú...
Tiếng cô Ba vang lên rõ ràng:
- Chuyện đó tôi có nghe. Cái đầm lác của làng Diêm Điền chớ không
phải của làng Hội Phú. Nhưng mà giấy tờ không phân minh. Ông ta làm
Lại mục ở Huyện biết rõ tình lý nên đứng giấy xin khẩn. Nhà nước chiếu y
phép tắc, cấp giấy cho khai khẩn. Bây giờ ông ta mướn đắp bờ ngăn từng
khoảnh, đặt cống tháo nước và cấy được ba giạ giống rồi.