tôi không rõ.
Dì tôi tính thật thà, ít ăn ít nói ai cũng biết nên không ai giận vì không
được thỏa mãn tò mò.
Bước qua mùa thu dường như cô bị bịnh nhiều. Thỉnh thoảng ở bên
nhà, tôi nghe tiếng ho và tiếng rên. Một hôm tôi gặp cô đứng cách bức
tường nói chuyện với dì tôi. Giọng cô nhọc nhằn và thỉnh thoảng xì mũi
như khóc. Đại khái cô nhờ dì tôi ngó chừng dùm nhà, cô phải đi Qui Nhơn
một thời gian để uống thuốc một ông thầy Tàu ở đó. Cô nói:
- Tôi có chứng đau bụng máu. Hồi sinh tiền, Niền Tồ có bài thuốc
chữa đau bụng máu hay lắm Niền Tồ mất, cái toa thuốc thất lạc...
Cô không giữ được tiếng khóc. Dì tôi an ủi, chịu nhận trách nhiệm và
cô Ba ra đi lúc nào tôi không hay biết. Có lẽ là đi rất sớm hồi trời còn mờ
đất. Một đứa gái nhỏ con nhà tá điền lên ở nơi nhà ngang để coi nhà và cho
bầy chó ăn. Những chậu hẹ, chậu tía tô rau húng tha hồ héo rũ. Con nhỏ lùn
quá mà chậu hẹ chậu rau lại gác trên mặt bờ thành cao.
Chừng một tháng sau thì cô về. Da dẻ không tốt hơn trước mà có phần
tiều tụy hơn. Đi ra đi vô trong nhà cũng choàng hầu khăn. Tôi không có dịp
nghe lời giải thích. Chắc chắn là dì tôi có được nghe và cố nhiên là hàng
xóm thì người ta đồng ý với nhau để giải thích cách khác, có nhiều lý thú
hơn. Đó là: Cô Ba Hường đi Phan Rang, - chớ không phải đi Qui Nhơn, -
để sinh. Đứa con gửi mướn người ta nuôi. Ở miền tôi, câu chuyện nào ly kỳ
thì được người ta nghe và truyền đi, không cần xét xem là đúng hay sai sự
thật. Chuyện nào hay thì được coi là thật. Nghe chuyện người khác là một
lối tiêu khiển. Miền quê nghèo nàn không có hát bội, không có kịch nhạc
nên mới chịu một tâm trạng ích kỷ kém lịch sự như vậy.
Làm sao mà biết được mọi tin tức, kể người trong xóm cũng giỏi. Đứa
bé sinh ra là gái hay trai, mặt mũi giống ai, người ta kể vanh vách. Lên
được hai tuổi thì nghe đâu bị trái trời chết. Có nhiều sự việc phù hợp với lời
đồn: dịch trái trời làm chết nhiều con nít trong năm đó, việc trước đây cô
Ba cứ vài tháng đi Qui Nhơn đôi ngày và sau này thì ở lì ở nhà không đi
đâu nữa.