Hôm ấy thằng bé gặp may.
Ông già Mô-mun được những người tinh khôn lõi đời đặt cho cái biệt hiệu
là lão Mô-mun nhanh nhảu. Cả vùng đều biết ông già, còn về phần ông,
không một người nào là ông không biết. Cái biệt hiệu đó rất đúng với Mô-
mun: ông luôn luôn niềm nở với bất cứ ai, dù chỉ là quen biết sơ sơ, bao giờ
ông cũng sẵn long làm một việc gì giúp bất kì người nào cần đến. Tuy
nhiên, chẳng ai quý trọng cái nhiệt tâm của ông, cũng như vàng không còn
là của quý nữa nếu như bỗng nhiên nó được đem ra phát không. Chẳng ai
tôn trọng Mô-mun như người ta thường đối xử với những bậc già cả vào
tuổi ông. Người ta đối xử với ông không giữ lễ gì hết. Nhiều khi, trong
những bữa tiệc tang linh đình nhân dịp một bậc già cả quyền quý nào đó
của bộ tộc Bugu tạ thế,- mà Mô-mun gốc gác là người Bugu, ông rất tự hào
về điều này và không bao giờ bỏ qua những bữa cỗ tang như thế, người ta
giao cho ông mổ thịt gia súc, đón các vị khách danh dự, đỡ họ xuống ngựa,
bưng trà, có khi cả bổ củi, xách nước. Trong đám cỗ tang lớn, bao nhiêu
khách khứa khắp nơi về dự, công việc bề bộn biết chừng nào? Bất kể được
giao việc gì, Mô-mun đều làm một cách nhanh chóng, dễ dàng. Song cái
chính là ông không thoái thác như những người khác. Những phụ nữ nông
dân trẻ tuổi trong bản có nhiệm vụ tiếp đãi đám khách khứa đông đảo ấy,
khi thấy Mô-mun đảm đương công việc đó chu tất như thế nào, họ nói:
- Không có lão Mô-mun nhanh nhảu thì bọn ta xoay sở sao nổi!
Có khi ông già từ xa đến, cho cả cháu đi theo, vậy mà ông lại làm chân phụ