việc cho gã gighit đun ấm xa-mô-va. Người khác ở địa vị ông già Mô-mun
hẳn phải phát uất lên vì cảm thấy bị xỉ nhục. Thế mà ông già Mô-mun cứ
điềm nhiên như không!
Và chẳng ai lấy làm lạ về việc ông già Mô-mun nhanh nhảu hầu hạ khách
khứa: có thế suốt đời ông mới là ông già Mô-mun nhanh nhảu. Ông mang
danh là lão Mô-mun nhanh nhảu thì chính là lỗi tại ông thôi. Nếu có người
lạ nào đó tỏ ý ngạc nhiên về nỗi ông già cả như thế mà lại đi chạy việc vặt
cho bọn đàn bà, chẳng lẽ trong bản hết cả trai tráng rồi sao, thì Mô-mun trả
lời: "Người quá cố là anh em của tôi. (Bất cứ người Bugu nào cũng được
ông coi là anh em của mình. Nhưng họ cùng là chỗ "anh em" không kém
gần với các khách khác.) Ngày cỗ đám người anh em của tôi, tôi không làm
thì ai làm kia chứ? Người Bugu chúng ta thảy đều là dòng dõi của bà cụ tổ
Mẹ Hươu sừng của chúng ta mà. Mẹ Hươu sừng chí linh thánh đã căn dặn
chúng ta phải yêu thương anh em cả khi còn sống cũng như khi đã khuất…”
Ông già ấy thế đấy, lão Mô-mun nhanh nhảu!
Già trẻ lớn bé đều gọi ông là “lão”, kẻ nào cũng có thể bỡn cợt ông: ông già
vốn hiền lành. Chẳng cần coi trọng ông: bao giờ ông cũng nhẫn nhịn.
Chẳng thế mà thiên hạ bảo rằng người đời chẳng hề dung tha những kẻ
không biết bắt kẻ khác phải tôn trọng mình. Mô-mun lại không biết làm
việc đó.
Ông biết làm nhiều thứ trên đời. Ông đã từng là thợ mộc, thợ làm yên
cương, đã từng là người đánh đống cỏ khô. Hồi còn chưa già lắm, ở nông