trang ông đã đánh những đống cỏ khô đẹp đến nỗi mùa đông dỡ ra người ta
thấy tiếc: trời mưa, nước cứ chuội đi như chạm vào lông ngỗng, tuyết
xuống đọng lại thành mái hai dốc. Thời chiến tranh ông là người lính trong
đội quân lao động Magni-tô-gorxk, ông xây tường nhà máy và đã được tặng
danh hiệu chiến sĩ Xtakha-nô-vitx. Sau chiến tranh trở về, mấy ngôi nhà ở
xóm gác rừng đều do ông dựng nên, ông làm thợ rừng. Tuy chỉ là thợ phụ,
nhưng chính ông trông coi rừng, còn Ô-rô-zơ-kun, con rể ông, thì luôn có
người mời mọc, thành thử cứ đi vắng suốt. Chỉ khi nào bất thình lình có cấp
trên về, khi ấy Ô-rô-zơ-kun mới thân hành đưa khách đi thăm rừng, tổ chức
săn bắn, khi ấy y đứng ra làm chủ. Mô-mun chăm nom gia súc, nuôi ong,
suốt đời ông làm lụng từ sáng tới tối, lúc nào cũng lo âu bận bịu, may mà
không biết cách làm cho người khác phải trọng mình.
Ngay cả vẻ bề ngoài, Mô-mun cũng không ra dáng một Ăc-xa-kan tí nào.
Không có phong thái đạo mạo, không uy nghi, không nghiêm nghị. Ông là
người đôn hậu, thoạt nhìn đã đoán ngay được ông có cái đức tính bất lợi ấy
của con người. Thời buổi nào người ta cũng vẫn răn dạy những kẻ như vậy:
“chớ có nhân từ, phải ác mới được. Nhớ lấy,ghi tạc vào long! Phải ác mới
được.” Thế nhưng, tai hại thay,ông vẫn cứ là người tốt bụng, không sao sửa
đổi được. Nét mặt ông tươi cười, và nhăn nheo, con mắt lúc nào cũng như
dò hỏi: “Anh cần gì? Anh muốn tôi giúp anh việc gì chăng? Tôi xin làm
ngay, chỉ cần bạn cho tôi biết bạn cần gì”.
Mũi ông mềm, kiểu mũi vịt, hầu như không có sụn. Vóc dáng ông lão lại bé