rồi một ngày, cô ấy đi mất. Khi chúng tôi gặp lại sau này, cô ấy trở thành
một người hoàn toàn xa lạ. Tôi có một cảm giác kỳ lạ là giờ đây tôi đang
bắt đầu hiểu cô ấy hơn.”
Erica nghĩ tới những trang sách đang dày lên ở nhà. Tư liệu trong đầu cô
hiện nay chỉ là những cảm tưởng và những tình tiết pha trộn với những ý
tưởng vì suy đoán của bản thân. Cô thậm chí vẫn chưa biết sẽ xây dựng các
tình tiết như thế nào, chỉ biết rằng cô phải viết cuốn sách này. Bản năng của
người cầm bút cho cô biết đây chính là cơ hội để viết nên một tác phẩm
đích thực, nhưng lại chưa xác định được ranh giới giữa nhu cầu sáng tác và
mối liên hệ cá nhân đối với Alex. Tính hiếu kỳ, một đặc điểm tối quan
trọng của nghề viết cũng thúc đẩy cô đi tìm đáp án cho câu trả lời về cái
chết của Alex ở một mức độ cực kỳ riêng tư. Cô có thể chọn từ bỏ Alex
cũng như số phận của cô ấy, quay lưng lại với đám người buồn thảm xung
quanh cô ấy để tập trung làm việc của mình. Thế nhưng cô lại xuất hiện ở
đây, trong căn phòng đầy người này, và không biết phải làm gì.
Cô đột nhiên nhớ ra đã quên không hỏi về bức tranh trong tủ quần áo của
Alex. Giờ thì cô đã nhớ ra cái gam màu nóng sử dụng trong bức tranh khỏa
thân của Alex vì sao lại quen thuộc đến vậy. Cô liền quay sang hỏi
Francine.
“Cô nhớ không, hôm tôi gặp cô ở phòng tranh…”
“Ừ, sao cơ?”
“Có một bức tranh ở ngay cạnh cửa ra vào. Một bức tranh sơn dầu lớn
với những gam màu nóng như vàng, đỏ, cam…”
“Tôi biết cô định nói bức tranh nào rồi. Sao vậy? Định nói với tôi giờ cô
cũng là nhà sưu tầm tranh?” Francine mỉm cười.
“Không, chỉ là tôi muốn biết, ai là người đã vẽ nó vậy?”
“Ôi trời, đúng là một câu chuyện buồn. Họa sĩ đó tên là Anders Nilsson.
Anh ta cũng là người ở Fjällbacka đấy. Chính Alex là người đã phát hiện ra
anh ta. Anh ta cực kỳ có tài. Tiếc là lại nghiện rượu nặng, nên đã tự hủy
hoại cơ hội của chính mình. Thời đại này, không thể chỉ đưa tác phẩm tới
phòng tranh là có thể hy vọng thành công. Người nghệ sĩ còn phải biết
quảng cáo bản thân. Cần phải xuất hiện ở các buổi khai mạc triển lãm, xúc