Rhu thỉnh thoảng đi vào phòng sơ chế nơi tôi làm việc để hút thuốc. Một
ngày kia, chú nói với tôi:
“Nếu may mắn thì cháu có thể đổi được chỗ làm đấy.”
Hàng xóm của chú Rhu là một người Việt Nam và người ấy có tiệm chăm
sóc móng và vẽ móng. Chú nói rằng sẽ viết giấy bảo lãnh cho tôi. Chú bảo
tôi cùng đi với chú tới đó vào thứ hai - ngày nhà hàng nghỉ.
“Cháu chăm chỉ lại trẻ tuổi nên sẽ có cơ may. Với khoản nợ ấy, nếu cháu
làm ở nơi có thu nhập tốt thì không tới một năm có thể trả được hết.”
Tôi cúi gập người xuống bày tỏ lòng biết ơn đối với chú Rhu. Lần đầu
tiên tôi mới nhớ tới chú Mikuri và nghĩ rằng có lẽ chú tới tận đây để bảo vệ
cho tôi. Không biết đã bao lâu rồi tôi mới có lại cảm xúc và nước mắt chứa
chan như thế này. Tôi cứ tưởng mình sẽ không còn khóc được nữa. Chú Rhu
đưa cho tôi miếng khăn ướt bảo tôi lau nước mắt.
“Hai mươi năm trước chú cũng rời bỏ quê hương mà đi, bỏ lại một cô con
gái. Nếu còn chắc nó cũng tầm tuổi cháu đấy.”
Ngày thứ hai, tôi theo chú Rhu lần đầu tiên ra khỏi phố Tàu và lên tàu
điện ngầm. Không biết là người đông tới mức nào mà mỗi lần lên xuống tôi
cứ phải bám lấy đuôi áo chú vì sợ bị lạc. Sau này mới biết nơi tôi và chú
Rhu tìm tới là ga Elephant and Castle. Ra khỏi ga tàu điện ngầm, nơi có rất
nhiều cửa ra vào, tới trước quảng trường, qua mấy con đường nữa là tới Nail
salon Tonkin
. Ở đây cũng giống như nhà hàng tôi đang làm, làm việc suốt
tuần, ngày thứ hai thì được nghỉ. Do không mấy khi được ra khỏi khu phố
Tàu nên tôi cứ quen nếp nghĩ ai ai cũng là người Á Đông, chỉ có một vài
khách du lịch da trắng đi qua đi lại và họ cũng chỉ là những người qua
đường. Song, khi ra tới ga Elephant and Castle này mới thấy có rất nhiều
chủng người với đủ các màu da. Những khuôn mặt da vàng xám, hoặc đen,
thỉnh thoảng cũng nhìn thấy một số gương mặt da trắng nhưng hầu như họ
không phải là người Anh. Trong số những người sống ở đây, mấy người xem
ra có của ăn của để đều là dân lao động làm ngành xây dựng đến từ Ba Lan
hay Séc.