hợp với nhau ở đâu đó trên cánh đồng bên kia con sông có chiếc cầu vồng
bắc ngang.
Chú Thanh ở tiệm Tonkin theo đạo Phật, chú Rhu mỗi lần nấu nướng
xong lại đọc một tràng dài những câu cầu nguyện như đọc thần chú; rất
nhiều người trong khu phố Tàu đều đi chùa, thắp hương và cầu nguyện. Chị
Luna và cô Sara là người Bangladesh và Sri Lanka nhưng lại sinh ra ở Anh
nên đi nhà thờ đạo Tin lành và tin vào chúa Giêsu. Mặc dù vậy, họ đều tham
gia một cách tự nhiên lễ pháp và nghi thức theo đúng phong tục. Ông Abdull
nở nụ cười mãn nguyện đối với câu giải thích của tôi và nói:
“Cháu à, cách sống của mỗi người khác nhau, cũng giống như cơm ăn áo
mặc khác nhau vậy. Thượng đế của vũ trụ cũng gom lại làm một thôi.”
Tôi hầu như không biết về đạo Hồi nhưng cũng không thấy khó khăn mấy
về phong tục của Ali và gia đình anh. Chỉ có đôi chút bất tiện trong thời kì lễ
Ramadan. Nhưng khi kì lễ nhịn ăn này kết thúc tôi lại nhận ra rằng mối quan
hệ gia đình và thức ăn hằng ngày có giá trị biết bao nhiêu.
Tôi kể chuyện về công chúa Bari mà bà vẫn hay kể cho tôi và nguồn gốc
cái tên Bari của tôi cho ông nghe; ông mỉm cười và gật đầu.
“Nếu cháu có số phận giống như công chúa trong truyền thuyết thì từ bây
giờ cháu phải đi tìm nước trường sinh rồi.”
“Cháu không biết gì cả, ông ạ. Nhưng bà cháu thì nói rằng cứ sống rồi sẽ
biết.”
Những ngày bình yên cứ thế trôi qua, Ali chăm chỉ lái taxi, tôi vẫn đi làm
mát-xa chân hằng ngày. Còn ông Abdull thì một ngày năm lần trải thảm
hướng tới Mecca làm lễ, Ali mỗi thứ sáu lại tới mosque. Tôi học cách làm lễ
từ Ali. Vào một ngày trong lúc tôi đang làm việc ở Tonkin thì một người
khách đang mát-xa ở đó nói:
“Ở Mỹ đã xảy ra chiến tranh! Tôi vừa xem tivi xong, thế giới bây giờ náo
loạn hết cả rồi.”