Khách hàng xôn xao và chú Thanh đã bê chiếc tivi trong phòng nghỉ ra
ngoài sảnh và bật lên. Quả nhiên, trên các đài truyền hình đều phát tin tức về
các sự kiện xảy ra ở New York. Trên đó chiếu đi chiếu lại cảnh chiếc máy
bay lao thẳng vào một tòa nhà, lại một chiếc máy bay khác thực hiện một cú
đâm tiếp theo. Chúng tôi nín thở dán mắt lên màn hình như xem phim hành
động, khi đến cảnh tòa nhà sụp xuống thì mọi người hét lên. Người ta chạy
nháo nhào ra con đường đang bị khói bụi và những mảnh thủy tinh vỡ bao
trùm, những người bị thương tả tơi quần áo đang cố tìm cách thoát ra ngoài,
ai nấy đều hoảng loạn, rác rưởi trên đường bay mù mịt theo gió.
Tôi về đến nhà, cảm giác như toàn bộ thế giới đều đảo lộn theo chuỗi sự
kiện ở New York. Khi vào phòng ông Abdull thì thấy ông trải thảm quỳ gối
và cầu nguyện. Tôi đứng trước cửa chờ đợi. Ông ngồi lên, vái tiếp rồi quay
ra tôi. “Cháu xem tin tức chưa?” Tôi gật đầu. Ông nói tiếp: “Ông đã gọi điện
cho Ali bảo nó hôm nay về sớm rồi.”
Tôi hiểu rõ ý ông. Khác với thường ngày, ông liên tục nhìn ra ngoài cửa
sổ cho đến khi Ali trở về nhà vào lúc chiều tối. Khi anh vào, ông nói với vẻ
cáu giận.
“Ông đã bảo về sớm rồi mà sao giờ này mới về?”
“Do có khách hẹn đi ra sân bay nên cháu phải chở khách đi rồi mới về
được.”
“Từ bây giờ cháu chỉ nên làm đêm vào cuối tuần thôi, còn ngày thường
làm tới tối rồi về nhé.”
Ali liếc nhìn tôi rồi dang hai tay ra.
“Sao ông lại lo lắng quá như vậy?”
“Cứ nhìn mà xem, thế giới từ nay sẽ biến đổi. Dù không như vậy thì
người ta cũng đâu có cái nhìn thiện cảm với đạo Hồi.”
“Ông ơi, đó là nước Mỹ, chúng ta là dân Anh cơ mà.”