vải trắng kiểu Chosun tóc búi lên và cài trâm đứng chắn cho tôi, miệng thét
lên:
“Con kia!”
Chiếc nơ đỏ rơi phịch xuống đất và biến mất.
Tôi hét lên và mở choàng mắt. Cả mặt và toàn thân mồ hôi ướt đẫm như
dầm mưa. Bà nằm bên cạnh lấy cái khăn vải lau cổ và mặt cho tôi rồi nói:
“Chỉ cần cố chịu một tí nữa thôi là khỏi hẳn cháu ạ.”
Hết sốt đợt này lại đến đợt khác, nên cả khi mở mắt người tôi cứ nhão ra.
Cảm giác tay chân dài ngoằng ra trùm lên khắp nền và tường nhà. Nếu
không như vậy thì bắt đầu co lại nhỏ như gỉ mũi được lôi ra khỏi hai lỗ mũi,
nhỏ hơn hạt đậu, trở nên mềm oặt và nổ tung. Sàn nhà nơi tôi đang nằm
dường như cũng rơi tuột vào lòng đất sâu. Tôi nhìn thấy rất nhiều khuôn mặt
nằm trên các hình thù của giấy dán tường, chúng mở miệng cười hi hi hô hô
hoặc ồn ào gợi chuyện.
Tôi bị cảm thương hàn mà vẫn sống sót, song cho tới khi tôi đến trường
mấy năm sau đó, tôi dường như vẫn chưa hoàn hồn. Nhưng sau khi ốm dậy,
tôi nghe được cả những thứ tiếng mà trước đây tôi không nghe thấy, nhìn
thấy cả những thứ mà trước đây tôi không thấy được. Ngay cả việc tôi nói
chuyện được với chị Thục bị câm cũng là vào thời điểm đó. Chị Trinh thứ tư
và chị Thục thứ năm cách nhau có một tuổi, chị Thục lại bị câm điếc nữa
nên cả hai lúc nào cũng chí chóe. Tôi không coi chị Hiền - chị kế tôi - là chị
nên chị Hiền nanh nọc với tôi cũng là chuyện đương nhiên. Ba chị Chân,
Thiện, Mĩ vừa hơn chúng tôi nhiều tuổi và cũng đều cao vổng lên. Ngay cả
chị Mĩ thứ ba cũng đã hơn chị Trinh thứ tư tới ba tuổi rồi. Trong nhà có tôi
và chị Hiền bị coi là trẻ con còn chị Trinh và chị Thục thì đúng là ở vị trí
thật khó nói. Chính vì vậy mỗi lần người lớn muốn sai vặt là lại nhớ tới các
chị ấy. Tuy nhiên chị Trinh mới là khổ bởi chị Thục bị câm điếc nên không
phải lúc nào cũng sai chị ấy được. Chẳng hạn khi sai đi xuống cửa hàng rau
dưới chân đồi mua đậu phụ và bó hành thì kiểu gì chị Trinh cũng tru cái
miệng ra và nhìn chị Thục bằng cái nhìn dữ tợn.