nhà ở Jeong Jin tìm mua cho các loại hàng ngoại. Nhưng mấy năm trước khi
có tin đồn là Liên Xô tan rã thì người lớn bắt đầu kháo nhau rằng cuộc sống
của người dân đã trở nên khó khăn. Mặc dù không bằng Bình Nhưỡng
nhưng Jeong Jin so với các đô thị khác vẫn còn khá hơn, tuy nhiên có những
lúc hai ba tháng trôi qua mà hàng hóa không được cấp, rồi đến thời kì nhìn
thấy trên đường những đoàn người mặc quần áo rách rưới từ nông thôn ra ăn
xin.
Bố tôi trở thành phó bí thư thành phố Musan. Tại Musan có nhiều mỏ sắt
mỏ than và các loại khoáng sản khác. Mẹ tôi luôn tự hào nói rằng để đảm
nhận việc buôn bán giao dịch các loại hải sản và khoáng sản rồi mua lương
thực giữa Jeong Jin với Trung Quốc thì không có ai bằng bố tôi. Cũng bởi vì
từ thời trẻ bố tôi đã làm trong lĩnh vực thương mại và, như bà tôi thường tự
hào, bố tôi là người nói trôi chảy cả hai thứ tiếng Trung và Nga.
Ủy ban cử xe tải tới để chở đồ đạc và nhà tôi ra tận ga Jeong Jin. Gọi là
đồ đạc vậy chứ chỉ có người là nhiều, còn đồ gói ghém lại cũng chỉ gồm
chăn gối, quần áo, xoong nồi thôi, ngoài ra chẳng có thêm gì cả. Tủ bếp và
tủ quần áo đã có sẵn nên chúng tôi đem chia đồ nhà mình cho hàng xóm, các
loại đồ điện như quạt điện, tủ lạnh, tivi đen trắng thì giao cho cậu tôi mang
đi bán. Theo lời cậu tôi nói, người làm việc nhà nước có thể mua rẻ các loại
hàng đời mới bất cứ lúc nào. Khi tôi cho con Chinsung lên thùng xe tải thì
xảy ra một chuyện nhỏ. Chú phụ tá ngồi với bố ở buồng lái lên tiếng:
“Con chó kia thì để cho người ta làm mồi nhắm đi chứ mang theo làm gì
ạ?”
“Khổ thế, nó là con chó mà mấy đứa con gái tôi chăm bẵm mãi…”
Tôi ngồi xổm ở thùng xe ôm chặt lấy con Chinsung nên nghe thấy hết.
Các chị em tôi cũng nhìn nhau vẻ lo lắng khi nghe mấy người đàn ông nói
chuyện. Mẹ gí tay vào trán tôi còn bà thì lôi cái váy trong gói quần áo ra đưa
cho tôi ý bảo giấu con Chinsung đi.
“Thời buổi có bao nhiêu là người chết đói. Đồng chí phó bí thư cũng phải
nghĩ tới các đồng chí khác chứ.”