Chị Trinh vừa vỗ tay vừa nhảy cẫng lên. Chị Thục mặc dù không nói
được nhưng cũng thể hiện sự hào hứng và chạy lên trước nhất. Tôi vừa phải
đỡ vừa phải đứng lại đợi chị Hiền đang thở không ra hơi cứ liên tục ngồi
thụp xuống nên bị tụt lại phía sau.
“Sao không chạy được vậy?”
“Ngực cứ như vỡ ra nên mới thế chứ.”
Tới đoạn đường nhìn thấy nhà tôi ở đằng xa thì cả bọn mới đi chậm lại và
thở hổn hển. Chú Mikuri là phó giám đốc một công ty Trung Quốc ở
Yeongin. Người chú béo và bụng dưới lồi ra nhưng mắt chú thì tròn như mắt
thỏ nên chỉ cần nhìn mặt chú thôi người ta đã không nín được cười. Tên chú
là Bắc Tiểu Long, chú quen với cậu tôi khi giao dịch tại Jeong Jin. Các công
ty to nhỏ tại Trung Quốc chất đầy trên xe tải các loại bột ngô, bột mì và đôi
lúc có cả các loại hàng như gạo hay quần áo tạp hóa, mang sang để đổi lấy
hải sản, khoáng sản. Tên chú Bắc Tiểu Long biến thành Mikuri chính là do
câu nói đùa của bố tôi. Lần đầu tiên lúc chú đòi tới để gặp đồng chí phó bí
thư khi đó vừa chuyển nhà xong được mấy ngày. Chú xách một thùng rượu
Began và hai hộp sườn lợn mang tới, không biết nghe ở đâu được là nhà tôi
lắm trẻ con nên chú chất thêm hai thùng quà tổng hợp chứa đầy các loại kẹo
bánh đủ hình dạng. Cũng nhờ chuyến thăm giống như mơ của chú Bắc Tiểu
Long mà bà và mẹ tôi càng tự hào về bố tôi hơn nữa, cho rằng biên giới quả
là nơi sống tốt và chúng tôi đã chuyển tới đây thật đúng lúc. Người trong hải
quan và ủy ban nhân dân cũng tới, chất đầy than củi vào cái phuy rỗng được
cắt làm đôi để nướng sườn lợn. Uống được mấy chén, chú Tiểu Long lúc
đầu nói rằng hợp với bố tôi và gọi bố tôi là đồng chí phó bí thư, sau đó lại
gọi là bố phó bí thư. Sau khi thêm mấy lời nữa thì bố tôi trở thành ông anh
của chú. Nói chung, đúng như mọi người nói, chú Tiểu Long có biệt tài dễ
dàng làm quen với người lạ.
“Anh đừng lo. Trông em thế này thôi vậy mà đã từng là sĩ quan trong
quân đội Trung Quốc đấy. Tụi em đi qua Côn Minh và làm việc tại biên giới
Việt Nam. Ở Trung Quốc không có chỗ nào mà em chưa đi qua cả. Nếu anh