“Ơ, nó còn chiếu cả trên tivi Trung Quốc cơ mà.”
“Bọn Tây nó có để cho yên không?”
“Không chiến tranh mà giúp nhau sống thì người Chosun ở Trung Quốc
bọn em cũng mở mày mở mặt. Nếu buôn bán làm ăn được có phải cuộc sống
đỡ hơn không?”
“Cậu nói đúng đấy.”
Sau đó thì chú Mikuri liên tục nói tiếng Trung, bố tôi cũng hỏi và trả lời
bằng tiếng Trung nên chúng tôi không thể nào hiểu được.
Sau khi chú Mikuri đến được mấy ngày thì toàn Musan đảo lộn hết cả lên.
Binh sĩ đeo súng và đứng gác ở các ngõ hẻm. Bàn thờ được lập nên ở hội
trường ủy ban. Nghe nói là Chủ tịch đột nhiên qua đời. Ở trường, bọn trẻ
cũng hái hết hoa dại trắng ở cánh đồng mang về làm vòng hoa. Chúng tôi
kéo nhau tới hội trường ủy ban để mặc niệm trước ảnh Chủ tịch. Tất cả các
bà, các chị con gái gặp ở ngoài đường ai nấy đều khóc.
“Thủ lĩnh ơi, làm sao chúng tôi sống được đây…”
Các bà với khuôn mặt bi thương ngồi trên cầu thang xi măng, tiếng khóc
ai oán vang khắp phố. Bọn trẻ tuyệt nhiên không hiểu chuyện gì cũng nước
mắt lẫn với mồ hôi, ngồi túm tụm nhau trên đường hay sân nhà và khóc.
Mùa hè năm đó cũng là mùa hè oi bức nhất trong vòng mấy chục năm,
không hề có giọt mưa nào. Nhưng đến lúc chuẩn bị vào thu thì trời đổ mưa
xuống ròng rã trong mấy chục ngày, đến mức cánh đồng và núi non tưởng
chừng như bị lật lên hết. Năm nào cũng vậy, người lớn đều than vãn về
chuyện mất mùa nhưng năm đó là sự mở đầu của nạn đói khủng khiếp. Cho
tới mùa đông, cả thành phố lẫn tỉnh đều ngưng phát hàng hóa. Cậu tôi làm ở
Jeong Jin tìm tới nhà tôi với khuôn mặt hốc hác cũng vào thời gian đó.
Chúng tôi nghe thấy cậu thì thầm với bố mẹ ở hè phòng đối diện rồi đột
nhiên cậu khóc rống lên.
“Cậu làm ăn làm sao mà để lỗ vốn hả?”