Bố tôi gầm lên át đi cả tiếng khóc của cậu. Mẹ cũng hét lên:
“Cậu lại đâm đầu vào bài bạc phải không?”
“Không, không phải. Họ giao hẹn là sau khi nhận bạch tuộc sẽ gửi cho
đậu và bột ngô nên em mới đề nghị với công ty thủy sản giao hàng cho họ
trước. Nhưng qua ba tháng rồi vẫn không thấy hàng đâu nên người ta mới
thúc giục em. Trời ơi, gọi điện thoại nó cũng không bắt máy, không biết là
công ty có bị phá sản hay không nữa. Mẹ kiếp!”
“Sao không nói với Tiểu Long để cậu ta tìm hiểu xem sao?”
Nghe mẹ tôi nói vậy cậu mới hỉ mũi và bảo:
“Nó cũng nói giờ chẳng khá hơn. Phải làm mới có hàng mà giao cho
chứ.” Bố tôi thở dài não nuột.
“Mà… lần trước bên tôi cũng đâu có giao đủ hàng theo đúng hẹn đâu. Có
đào được sắt mang bán thì mới có ngô gạo chứ.”
Không có hàng cũng không có lương, công nhân khai khoáng cũng bỏ
việc và bắt đầu đi chỗ nọ chỗ kia để kiếm lương thực. Không còn là chuyện
hiếm khi các nhà máy lớn nhỏ ở địa phương đều đóng cửa không làm việc.
Đêm đó cậu vượt sông Duman. Bố mẹ tôi cũng không thể ngăn cản cậu. Cậu
tôi nói sẽ trực tiếp đến thẳng Yeongin để hỏi cho rõ mọi chuyện. Bởi nếu cậu
không bù lỗ được sẽ bị truy cứu trách nhiệm và bị vào tù. Thời kì khó khăn
nên những người làm tổn hại tới nhà nước đều bị phạt rất nặng nề. Cậu sau
khi vượt sông thì không thấy quay lại nữa. Năm đó có lẽ là mùa đông năm
chín tư, tôi mười một tuổi.