Tôi đi giữa hàng sách và hít sâu bầu không khí: giống như nạp khí oxy sau
khi hít thở mùi hôi thối của nhà chứa.
Có một đám đông người mua sách đang cò kè ngã giá với người bán, và tôi
giả vờ làm một người mua. Tôi nhảy vào đống sách, nhặt chúng lên, đọc
chúng thế này, lật, lật, lật, cho đến khi một người bán sách quát lên, “Định
mua hay đọc sách chùa đấy hử?”
“Quyển này không hay,” tôi đáp, rồi đặt quyển sách xuống và đi đến người
bán kế bên, nhặt lên một quyển sách của anh ta, rồi lật lật lật. Không bao giờ
trả ai một đồng rupee nào, lật sách đọc miễn phí, tôi “hôi của” hết người bán
sách này đến tay bán sách nọ suốt buổi tối!
Một vài quyển sách viết bằng tiếng Urdu, ngôn ngữ của người Hồi giáo -
toàn những nét nguệch ngoạc và dấu chấm, như thể một con quạ đã nhúng
chân vào mực đen rồi đè lên trang sách. Tôi đang xem một quyển sách như
thế thì một người bán sách lên tiếng, “Mày đọc được tiếng Urdu không?”
Ông ta là một người Hồi giáo già, khuôn mặt đen như hắc ín nhễ nhại mồ
hôi, tựa chiếc lá thu hải đường sau mưa, và một bộ râu trắng dài.
Tôi nói: “Thế ông đọc được tiếng Urdu không?”
Ông ta mở quyển sách ra, hắng giọng rồi đọc, ““Người nhiều năm đi tìm
chìa khóa.” Hiểu không?” Ông ta nhìn tôi, nếp nhăn lớn hằn sâu trên vầng
trán đen.
“Vâng, thưa ông bác Hồi giáo.”
“Im mồm, thằng láo toét. Nghe đây.”
Ông ta lại hắng giọng.
““Người nhiều năm đi tìm chìa khóa/Cửa muôn đời vẫn mở đấy thôi!””
Ông ta gấp sách lại. “Đấy gọi là thơ. Giờ biến đi.”