“Làm ơn, ông bác Hồi giáo,” tôi van nài. “Con chỉ là con trai người phu xe ở
khu Bóng tối. Hãy nói chuyện về thơ cho con nghe với. Ai viết bài thơ đấy
ạ?”
Ông ta lắc đầu, nhưng tôi không ngừng tâng bốc ông, bảo ông chùm râu mới
đẹp làm sao, da ông mới sáng làm sao (ha!), rằng trông mũi và trán ông thì
biết ngay ông không phải một gã chăn lợn cải đạo mà là một người Hồi giáo
thực thụ bay từ tận Mecca đến đây trên chiếc thảm thần, và ông ta lẩm bẩm
ra chiều hài lòng. Ông ta đọc cho tôi nghe một bài thơ khác, rồi một bài khác
- và ông giải thích lịch sử thật sự của thi ca, vốn là một bí mật, một phép
thuật chỉ những người thông thái mới biết. Thưa Thủ tướng, tôi biết chẳng
có gì mới mẻ khi nói rằng lịch sử thế giới là lịch sử của cuộc chiến trí não
suốt mười nghìn năm giữa người giàu và người nghèo. Mỗi bên không
ngừng tìm cách chơi xấu bên kia: và điều này đã xảy ra kể từ thuở khai thiên
lập địa. Người nghèo thắng trong một vài trận (tiểu tiện lên cây trồng trong
chậu, đá chó cưng, v.v.) nhưng dĩ nhiên người giàu đã thắng cuộc chiến
trong suốt mười nghìn năm. Đó là lý do vì sao, đến một ngày, vài người
thông thái, vì lòng trắc ẩn đối với người nghèo, đã để lại cho họ những dấu
hiệu và biểu tượng trong các bài thơ, mà thoáng nghe qua ngỡ nói về hoa
hồng và gái đẹp và những thứ đại loại thế, nhưng khi hiểu đúng sẽ lộ ra
những bí mật cho phép kẻ nghèo nhất quả đất tổng kết được cuộc chiến trí
não mười nghìn năm bằng những thuật ngữ riêng có lợi cho anh ta. Bây giờ,
bốn nhà thơ vĩ đại nhất thế giới là Rumi, Iqbal, Mirza Ghalib, và một người
nữa tôi đã nghe tên nhưng quên mất.
(Nhà thơ thứ tư ấy là ai? Tôi muốn phát điên khi không nhớ nổi tên ông ta.
Nếu ngài biết, hãy gửi email cho tôi nhé.)
“Ông bác Hồi giáo, cháu có một câu hỏi khác cho ông.”
“Trông tao giống cái gì? Thầy giáo của mày hử? Đừng hỏi nữa.”
“Câu cuối cùng, cháu hứa đấy. Xin ông cho cháu biết, người ta có thể dùng
thơ để biến mất không ạ?”