này, ngài đã nghe nói Hằng Hà còn được gọi là dòng sông giải thoát, và mỗi
năm có hàng trăm du khách Mỹ đến để chụp ảnh những sadhu
khỏa thân
tại Hardwar hay Benaras. Thủ tướng chúng tôi ắt hẳn sẽ giải thích sự việc
theo cách đó với ngài, rồi giục ngài nhúng mình xuống nước.
Không! - Thưa ngài Gia Bảo, tôi xin ngài đừng nhúng mình xuống dòng
sông Hằng đó, nếu ngài không muốn mồm chứa đầy phân, rơm rạ, những
bộ phận thi thể người trương nước, xác trâu thối rữa, và bảy loại axít công
nghiệp khác nhau.
Tôi biết tất cả về Hằng Hà, thưa ngài - năm tôi khoảng sáu, bảy hay tám
tuổi gì đó (trong làng tôi chẳng ai biết tuổi thực của mình), tôi đã đến nơi
thiêng liêng nhất trên bờ sông Hằng - thành phố Benaras. Tôi nhớ mình đi
bộ xuống một con đường dốc tại thánh địa Benaras, ở cuối đoàn tang lễ đưa
thi thể mẹ tôi đến sông Hằng.
Bà nội Kusum của tôi đang dẫn đầu đoàn đưa tang. Bà già Kusum quỷ quái!
Bà có thói quen chà xát cánh tay mỗi khi đắc chí, như thể cánh tay là củ
gừng, mài một phát là bật ra nụ cười toe toét trên mặt. Răng bà rụng hết,
nhưng như thế càng khiến nụ cười của bà thêm giảo quyệt. Bà đã đem kiểu
cười ấy vào nhà rồi kiểm soát tất cả; từ con trai đến con dâu đều sợ bà một
phép.
Bố tôi và anh Kishan đứng phía sau bà để đỡ đầu trước của chiếc giường
mây đặt thi thể mẹ tôi; các chú bác tôi là Munnu, Jayram, Divyram, và
Umesh, đứng phía sau, nâng đầu còn lại. Xác mẹ đã được bọc kín từ đầu
đến chân trong vải lụa màu vàng nghệ, phủ đầy cánh hoa hồng và những
vòng hoa nhài. Tôi nghĩ mẹ chưa từng được mặc đồ đẹp như thế khi còn
sống. (Cái chết của mẹ quá to tát đến nỗi tôi biết ngay cuộc đời bà hẳn rất
khốn khổ. Gia đình tôi có lỗi gì đây). Các bác, các thím của tôi - Rabri,
Shalini, Malini, Luttu, Jaydevi, và Ruchi - cứ liên tục ngoái lại và vỗ vỗ tay
ra hiệu để tôi theo kịp họ. Tôi nhớ mình lúc lắc bàn tay và hát “Tên thần
Shiva chính là sự thật!”