nhưng não tôi quan trọng quá, thưa ngài: nó là tất cả những gì một kẻ biết
tư duy có trên thế gian này.
Người da trắng sẽ bị kết liễu trong giai đoạn tôi còn sống. Còn có cả người
da đen và da đỏ, nhưng tôi chẳng biết họ muốn gì - đài phát thanh không
bao giờ nói về họ. Dự đoán khiêm tốn của tôi: trong vòng hai mươi năm tới,
sẽ chỉ còn người da vàng và da nâu chúng ta trên đỉnh hình tháp, và chúng
ta sẽ thống trị toàn thế giới. Và Thượng đế cứu vớt mọi người còn lại.
***
Bây giờ tôi nên giải thích về sự gián đoạn dài trong lần kể chuyện của tôi
cách đây hai đêm.
Nó cũng sẽ cho phép tôi minh họa sự khác biệt giữa Bangalore và
Laxmangarh. Xin hiểu cho, ngài Gia Bảo, không phải cứ đến Bangalore là
ngài thấy ở đây ai cũng đạo đức ngay thẳng cả. Thành phố này còn có lũ du
côn và chính trị gia nữa. Chỉ có điều ở đây, nếu một người muốn trở thành
người tốt, anh ta có thể trở thành người tốt. Ở Laxmangarh, anh ta thậm chí
còn không được lựa chọn. Đấy chính là điểm khác biệt giữa Ấn Độ này và
Ấn Độ kia: sự lựa chọn.
Thế này, đêm hôm ấy, tôi đang ngồi đây, kể cho ngài câu chuyện đời tôi, thì
chuông điện thoại bàn reo lên. Vẫn còn trò chuyện với ngài, tôi nhấc máy
và nghe giọng của Mohammad Asif.
“Thưa ông, có rắc rối ạ.”
Ấy là khi tôi dừng nói chuyện với ngài.
“Rắc rối gì?” tôi hỏi. Tôi biết đêm ấy là ca trực của Mohammad Asif, vì thế
tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận điều tồi tệ nhất.
Im lặng, rồi cậu ta nói, “Con đang chở mấy cô gái về nhà thì đâm phải một
thằng bé đi xe đạp. Nó chết rồi, thưa ông.”