Người đi xe đạp thiệt mạng - cảnh sát chẳng buồn ghi chép gì về vụ việc.
Người đi xe máy bị thiệt mạng - họ hẳn sẽ báo cáo vụ đó. Người ngồi trong
xe ô tô bị thiệt mạng - họ sẽ tống tôi vào tù.
“Ngộ nhỡ nó đi đến mấy tờ báo thì sao?”
Trợ lý thanh tra vỗ bụng. “Mọi nhà báo ở thị trấn này nằm cả trong đây
rồi.”
Tôi không đưa phong bì cho ông ta ngay. Có thời gian và địa điểm để làm
những việc ấy. Giờ là lúc mỉm cười, và nói cảm ơn, rồi uống cà phê nóng
mà ông ta mời tôi; giờ là lúc tán gẫu về mấy đứa con trai của ông ta - cả hai
đều đang học ở Mỹ, ông ta muốn chúng về để lập một công ty Internet ở
Bangalore - và gật đầu và mỉm cười và khoe hàm răng trắng bóng ngừa sâu
răng của tôi. Chúng tôi nhấm nháp cà phê hết tách này đến tách khác dưới
tấm lịch có gương mặt nữ thần Lakshmi - bà đang đổ những đồng tiền vàng
từ một chiếc lọ xuống dòng sông thịnh vượng. Phía trên bà là bức chân
dung đóng khung của vị thần của tất cả các vị thần, một Mahatma Gandhi
đang tươi cười.
Tuần tới tôi sẽ đi gặp ông ta lần nữa với chiếc phong bì, và rồi ông ta sẽ thôi
không còn tử tế thế nữa. Ông ta sẽ đếm tiền trước mặt tôi rồi nói, Chỉ có
chừng này thôi ư? Ông có biết nuôi hai đứa con trai ăn học ở trường nước
ngoài tốn kém thế nào không? Ông nên xem hóa đơn American Express mà
chúng gửi cho tôi hằng tháng! Và rồi ông ta sẽ đòi thêm một phong bì nữa.
Rồi một cái nữa, một cái nữa, cứ như thế. Ở Ấn Độ mọi thứ đều không có
điểm dừng, ngài Gia Bảo ạ, như ông Ashok vẫn thường nói quá chính xác.
Ngài cứ phải chi rồi lại chi cho lũ khốn nạn ấy. Nhưng tôi than phiền về
cảnh sát theo kiểu nhà giàu; không phải theo kiểu nhà nghèo.
Sự khác biệt chính là tất cả.
Ngày hôm sau, thưa ngài, tôi gọi Mohammad Asif đến văn phòng.