năm, toàn thể đàn ông trong làng tụ tập thành đám chờ đợi ngoài quán trà.
Khi xe buýt đến, họ leo lên - chen chúc bên trong, đu bám rào chắn, trèo lên
nóc xe - rồi đi đến Delhi, Calcutta, và Dhanbad để tìm việc.
Một tháng trước mùa mưa, cánh đàn ông trở về từ Dhanbad, Delhi và
Calcutta, gầy hơn, đen hơn, nóng nảy hơn, nhưng túi quần rủng rỉnh tiền.
Đám đàn bà chờ đợi họ. Các bà nấp sau cửa và ngay khi các ông bước vào,
họ nhảy bổ ra, như những con mèo hoang vồ miếng thịt tươi. Có những
màn giành giật, gào khóc, la hét. Các chú bác của tôi thường chống cự tìm
cách giữ lại ít tiền, nhưng bố tôi thì lần nào cũng bị trấn lột sạch sẽ. “Tôi
sống sót được ở thành phố, vậy mà không thoát nổi lũ đàn bà trong nhà”,
ông thường nói, rồi ngả người xuống một góc phòng. Đám đàn bà cho ông
ăn sau khi đã cho ả trâu no bụng.
Tôi thường đến chỗ ông, chơi đùa quanh ông bằng cách trèo lên lưng và áp
bàn tay lên trán ông, qua hai mắt - dọc sống mũi - rồi xuống cổ, đến chỗ
lõm ở đáy cổ. Tôi thường nấn ná ngón tay ở đấy - nó vẫn là phần tôi ưa
thích nhất trên cơ thể con người.
Cơ thể người giàu cũng giống như một chiếc gối bông thượng hạng, trắng
muốt, mềm mại và tinh tươm. Cơ thể chúng tôi thì khác. Cột sống của bố
tôi là một sợi dây thừng thắt nút, loại mà đàn bà trong làng dùng để kéo
nước giếng; xương đòn gánh cong oằn nhô cao bao quanh cổ ông, như
chiếc vòng đeo cổ chó; những vết trầy xước, nứt nẻ và sứt sẹo như những
dấu roi nhỏ trên thịt da, chạy xuống ngực và eo ông, luồn qua hông, xuống
tận mông. Chuyện đời của một người nghèo được viết lên chính cơ thể
người ấy, bằng ngòi bút sắc.
Các chú bác tôi cũng làm việc gãy cả lưng, nhưng ai làm gì họ làm nấy.
Mỗi năm, ngay khi mùa mưa vừa chớm, họ lại xách liềm sơn đen ra đồng,
van nài địa chủ cho việc gì đó để làm. Rồi họ gieo hạt, làm cỏ, thu hoạch
lúa ngô. Bố tôi có thể làm cùng họ; ông có thể làm trên bùn lầy của địa chủ,
nhưng ông đã chọn cách khác.