về sự mục ruỗng và biến chất bao giờ cũng là những câu chuyện hay nhất,
phải không nào?
Khi anh Kishan cho ít thức ăn vào miệng bố, ông khạc nó ra cùng với máu.
Cơ thể đen bóng săn chắc của ông lên cơn co giật, nôn máu ra tứ phía. Hai
đứa con gái mắt vàng thét toáng lên. Những bệnh nhân khác dịch ra xa bố
tôi.
“Ông ấy bị bệnh lao phải không?” người Hồi giáo già hơn hỏi trong lúc
đuổi ruồi khỏi vết thương trên chân.
“Chúng cháu không biết, thưa bác. Ông bị ho khá lâu rồi, nhưng cũng
chẳng biết bị bệnh gì.”
“Ôi, vậy là bị lao rồi. Ta từng thấy nhiều người phu xe bị bệnh này. Công
việc vắt kiệt sức họ. Thôi, chắc là bác sĩ sẽ đến vào tối nay.”
Nhưng bác sĩ không đến. Khoảng sáu giờ chiều hôm ấy, như quyển sổ chấm
công hẳn đã báo cáo chính xác, bố tôi vĩnh viễn được chữa khỏi bệnh lao.
Bọn hộ lý bắt chúng tôi lau chùi sạch sẽ những chỗ bố làm bẩn rồi mới đưa
thi thể ông đi. Một con dê trắng đi vào, ngửi khụt khịt trong lúc chúng tôi
lau máu trên sàn nhà. Bọn hộ lý xoa đầu nó, cho nó ăn một củ cà rốt múp
míp trong khi chúng tôi lau sạch chỗ máu loang lổ trên sàn.
Đám cưới của anh Kishan diễn ra một tháng sau lễ hỏa táng.
Đó là một đám tốt. Chúng tôi là nhà trai, mặc sức khoắng nhà gái. Tôi nhớ
chính xác của hồi môn mà chúng tôi yêu cầu nhà gái phải giao, nghĩ đến nó
thôi cũng đủ làm tôi chảy nước dãi: năm nghìn rupee tiền mặt, đều là những
tờ bạc không dính đất, mới cáu từ nhà băng, cộng với một chiếc xe đạp hiệu
Hero, cộng với một sợi dây chuyền vàng dày cộm cho Kishan. Sau đám
cưới, bà Kusum lấy năm nghìn rupee, chiếc xe đạp Hero và sợi dây chuyền
vàng; Kishan có hai tuần để đút cái ấy vào người vợ, rồi anh bị buộc lên
đường đến Dhanbad. Anh họ Dilip và tôi cùng đi với anh. Ba chúng tôi tìm