Cuối cùng tôi bị trả về nhà. Không còn ai ở Laxmangarh muốn thuê tôi làm
sau vụ đó, ngay cả làm ruộng. Vậy là chủ yếu tại tôi mà Kishan và Dilip
phải đến Dhanbad - để cho tôi cơ hội làm lại sự nghiệp của một người nhện.
Trong chuyến đi từ làng lên thị, từ Laxmangarh đến Delhi, con đường của
nhà doanh nghiệp băng qua cơ man nào là thị xã, nơi có sự ô nhiễm, tiếng
ồn và giao thông của một thành phố lớn - nhưng lại thiếu vắng cảm giác về
một lịch sử lâu đời, về sự quy hoạch và phồn hoa của một đô thị thực thụ.
Chỉ là những đô thị nửa vời, được xây lên cho những con người nửa vời.
Không khí ở Dhanbad đẫm mùi tiền. Tôi nhìn thấy những tòa nhà bốn bề
bằng kính, những người đàn ông răng bịt vàng. Tất thảy đám cửa kính và
răng vàng này đến từ các mỏ than đá. Ở ngoài thị xã có than đá, nhiều hơn ở
bất kì nơi nào tại khu Bóng tối, cũng có thể nhiều hơn bất kì nơi nào trên
thế giới. Thợ mỏ đến ăn ở quán trà của tôi - tôi luôn phục vụ họ tốt nhất, vì
họ kể những câu chuyện hay nhất.
Họ nói những mỏ than đá kéo dài hàng dặm hàng dặm bên ngoài thị xã. Ở
vài chỗ có lửa cháy dưới lòng đất và tỏa khói lên không trung - những ngọn
lửa cháy liên tục trong suốt một trăm năm!
Và chính tại quán trà trong thành phố được xây lên bằng than đá này, chính
trong lúc lau bàn và lân la hóng chuyện mà cuộc đời của tôi đã đổi thay.
“Mày biết không, thỉnh thoảng tao nghĩ mình đã sai lầm khi trở thành thợ
mỏ.”
“Thì sao? Người như tao và mày còn làm được gì khác? Chính trị gia
chắc?”
“Thời buổi này ai cũng có xe con - mày biết người ta trả cho tài xế bao
nhiêu không? Một nghìn bảy trăm rupee một tháng!”
Tôi đánh rơi giẻ lau. Tôi chạy đến chỗ anh Kishan, lúc bấy giờ đang lau
chùi mé trong bếp lò.