việc tại một quán trà ở Dhanbad - chủ quán đã nghe tiếng lành về anh
Kishan tại quán trà ở Laxmangarh.
Phước báu cho chúng tôi, ông ta chưa nghe nói gì về tôi cả.
Ngài hãy đi vào bất kì quán trà nào dọc sông Hằng, nhìn những người đàn
ông làm trong các hàng quán đó - tôi gọi là đàn ông, nhưng đúng hơn phải
gọi họ là người nhện, lổm ngổm bò giữa lối đi và bên dưới những cái bàn
với giẻ rách trong tay, những con người bị vắt kiệt trong những bộ đồng
phục nhàu nát, bơ phờ tiều tụy, râu ria tua tủa, tuổi đã ba mươi, bốn mươi
song vẫn là những “thằng nhóc”. Nhưng số trời đã định họ phải làm tốt
công việc của mình - với sự trung thực, tận tụy và chân thành, như cách mà
Gandhi chắc chắn sẽ làm.
Tôi làm việc hầu như không trung thực, thiếu tận tụy mà cũng chả có chân
thành gì ráo - vì thế quán trà hóa ra lại là một trải nghiệm vô cùng bổ ích.
Thay vì lau vết bẩn trên bàn và đập than cho vào lò, tôi dùng thời gian của
mình tại quán trà ở Laxmangarh để bí mật theo dõi các vị khách và nghe
lỏm mọi chuyện họ nói với nhau. Tôi tự nhủ, đây là cách để đi tiếp con
đường học vấn của mình - đó là điều tốt đẹp mà tôi có thể nói về bản thân.
Tôi lúc nào cũng có niềm tin tuyệt đối vào giáo dục - đặc biệt là của riêng
tôi.
Ông chủ ngồi ở trước quán, bên dưới tấm ảnh vĩ đại của Gandhi, khuấy nồi
xirô đường đang sôi nhẹ. Ông ấy biết tôi âm mưu chuyện gì! Mỗi khi nhìn
thấy tôi lượn lờ quanh một chiếc bàn nào đó hoặc giả vờ kì cọ vết bẩn để
nghe lỏm được kĩ hơn, ông thường quát lên, “Thằng ranh con!” rồi nhảy
phắt khỏi ghế, đuổi tôi chạy vòng quanh quán với chiếc muôi vừa dùng để
khuấy đường, gõ cốp cốp lên đầu tôi. Chiếc muôi chạm đến đâu, xirô đang
sôi kêu xèo xèo đến đó, để lại những đốm đen lấm chấm trên tai tôi mà
người ta thỉnh thoảng vẫn nghĩ là do chứng bạch biến hay bệnh về da; một
mảng da màu hồng có thể làm đặc điểm nhận diện ra tôi, dù cảnh sát, y như
rằng, đã bỏ qua nó.