Bây giờ, tôi nói họ xem tôi như “tài xế”. Tôi không biết chính xác các ngài
tổ chức kẻ hầu người hạ ở Trung Quốc thế nào. Nhưng ở Ấn Độ - hay, ít
nhất là, ở Bóng tối - người giàu không có tài xế, đầu bếp, thợ cắt tóc và thợ
may. Họ chỉ đơn giản có toàn đầy tớ.
Ý tôi là bất cứ khi nào không lái xe thì tôi phải quét sân, pha trà, lau mạng
nhện bằng chổi cán dài, hoặc đuổi bò ra khỏi trang viên. Có một việc mà tôi
không được phép làm, đó là chạm vào chiếc Honda City: chỉ có Ram Persad
được quyền lái và lau chùi nó. Vào buổi tối tôi thường quan sát hắn lau bề
ngoài bóng loáng của chiếc xe với vải mềm. Lòng tôi sôi lên vì ghen tị.
Tôi có thể nhìn thấy, ngay chỉ từ bên ngoài, rằng nó là một chiếc xe đẹp,
hiện đại, với đầy đủ tiện nghi: dàn loa, máy điều hòa nhiệt độ, ghế bọc da
bóng loáng đẹp đẽ, và một ống nhổ bằng nhôm không gỉ ở phía sau. Lái
một chiếc xe đẹp như thế hẳn là sướng như tiên. Tôi thì chỉ có chiếc Maruti
Suzuki cũ kĩ cà tàng.
Một buổi tối, khi tôi đang quan sát, ông Ashok đến và ngó nghiêng một lượt
quanh chiếc xe. Tôi phát hiện ra ông ấy là một người rất tò mò.
“Cái đó để làm gì? Cái vật bóng loáng ở phía sau ấy?”
“Ống nhổ, thưa ngài.”
“Cái gì?”
Ram Persad giải thích. Ống nhổ này dành cho lão Cò, người thường xuyên
ăn trầu. Nếu lão nhổ trầu ra ngoài cửa xe, trầu có thể dính vào thành xe, vì
thế lão nhổ xuống gần chân mình, vào cái ống nhổ, được tài xế rửa ráy sạch
sẽ sau mỗi chuyến đi.
“Kinh quá,” ông Ashok nói.
Ông đang hỏi về một thứ khác thì Roshan, con trai ngài Mukesh chạy đến
chỗ chúng tôi với một cái gậy bằng nhựa và quả bóng trong tay.