Kishan giơ tay lên. Tôi đã không gặp anh kể từ khi anh rời Dhanbad về nhà
làm ruộng - đó là ba tháng trước. Tôi cúi xuống chạm vào chân anh, và cứ
ôm rịt lấy chúng thật lâu, vì tôi biết giây phút tôi thả ra anh sẽ cho tôi nhừ
đòn - tôi đã không gửi tiền về nhà trong hai tháng qua.
“Ối da, hóa ra nó cũng còn nhớ đến nhà mình đấy!” anh ngọt nhạt, hất tôi ra
khỏi chân. “Nó có quan tâm gì đến chúng ta đâu cơ chứ?”
“Xin anh tha lỗi cho em.”
“Chú mày chẳng gửi đồng xu nào về trong mấy tháng rồi. Chú quên mất
thỏa thuận của chúng ta.”
“Tha lỗi cho em, tha lỗi cho em.”
Nhưng họ có giận gì đâu. Đó là lần đầu tiên tôi có thể nhớ mình được quan
tâm chăm sóc nhiều hơn con trâu. Om sòm ồn ào nhất, như thường lệ, là bà
già Kusum quỷ quyệt, mồm cứ cười hí hửng, tay chà xát cánh tay.
“Ôi, ngày cháu còn nhỏ cứ là một tay bà đút cho ăn bánh kẹo,” bà vừa nói
vừa bẹo má tôi. Bà quá khiếp vía trước bộ đồng phục của tôi nên chả dám
thử đụng vào chỗ nào khác trên người.
Họ suýt nữa là vác tôi lên lưng trở về nhà cũ, phải nói thế. Xóm giềng đang
chờ ở đấy để xem bộ đồng phục của tôi.
Tôi được giới thiệu những đứa trẻ con sinh ra trong nhà sau khi tôi đi, bị
buộc phải hôn lên trán chúng. Thím Laila đã sinh hai đứa khi tôi đi. Vợ anh
họ Pappu, Leela, đã kịp làm một đứa. Gia đình đông đúc hơn. Nhu cầu cũng
nhiều hơn. Tôi bị tổng xỉ vả vì không gửi tiền về hằng tháng.
Kusum đấm vào đầu thùm thụp; mò sang nhà hàng xóm rên rỉ. “Thằng cháu
tôi có công ăn việc làm, vậy mà nó vẫn còn bắt tôi làm việc. Đến là khổ cho
cái thân già này.”