của thành phố, đến bây giờ người ta vẫn đãi vàng đấy.
- Lúc nào bọn mình ra đầm đãi vàng đi, - Lê-na nói.
Cô-xchi-a phì cười:
- Cậu tưởng vàng nó nổi lên trên à? Có khi vàng chưa thấy đâu mà
xương sống cậu đã sụn rồi cũng nên.
- Nói như thật ấy!
- Lại chả thật! – Cô-xchi-a đáp, em nghĩ tới cục vàng “Thủ lợn”, nặng
trịch, sáng chói, - tài sản của em.
Các em rẽ vào cửa hàng.
- Sôcôla! – Ca-chi-a ngạc nhiên khi trông thấy những thanh kẹo dầy dặn
bọc giấy bạc. – Lâu lắm tớ không được ăn sôcôla… Bây giờ chiến tranh thế
này, không lấy đâu ra được nữa. Bố tớ bao giờ cũng mua sôcôla không
nhân cho tớ. Sôcôla phải cứng, thật cứng, ngọt sắc và hơi đăng đắng một
chút để khi cắn ta tưởng như răng bị đau ấy và ở đây, dưới hai tai này này,
ta thấy buồn buồn… thế mới thích.Nhưng bây giờ nếu sôcôla có nhân tớ
cũng ăn ngay…
- Đừng nói nữa, Ca-chi-a kẻo tớ cũng thèm rỏ dãi mất! – Lê-na than thở.
– Mau mau đi khỏi đây thôi, các cậu ơi!
Cô-xchi-a cho rằng sôcôla là món xa xỉ. Trong số các đồ ngọt, em và anh
Mi-tơ-ri chỉ mua đường miếng, trắng và chắc như đá hoa vậy, và kẹo viên
thôi. Bây giờ, nếu đem cái “thủ lợn” ra đổi, Cô-xchi-a có thể có vô khối
sôcôla, nhưng…
- Tàu điện đến rồi kìa! – Ca-chi-a kêu lên.
Toa tàu chật ních, cho nên Cô-xchi-a phải đứng bám ở bậc lên xuống.
Anh công an nhìn em bằng cặp mắt thật đáng sợ, định thổi còi, nhưng chắc
hẳn vì ngày tết nên anh không thổi nữa.