- Em không phải là người khác, - Cô-xchi-a lo lắng đáp! – Em để giấy
khai sinh trong va-li… Ngồi trên tàu, em ngủ quên… thế là mất va-li.
- Thích nhỉ! Em ngờ nghệch quá! Ai lại để giấy tờ trong va-li bao giờ?
Dớ dẩn thật! – Mi-sa suy nghĩ một chút rồi quyết định: - Dù sao chúng ta
cũng cứ ra làm thủ tục đi. Em cứ nói rằng giấy tờ của em bị mất khi đi
đường. Em muốn vào làm ở nhà máy chứ gì? Thôi cứ nói như thế nhé. Biết
đâu họ nhận chăng.
Ngồi đằng sau cái chấn song bằng gỗ mộc là hai phụ nữ. Người lớn tuổi
hơn tìm họ tên các thanh thiếu niên mới đến theo danh sách và nói với
người kia: “Cô phát cho cháu này đi!” thế rồi lần lượt mọi người đều được
tất cả những thứ giấy tờ cần thiết.
- Giữ cẩn thận đấy nhé, - người phụ nữ nhắc đi nhắc lại. - Phiếu bánh mì
này, phiếu thực phẩm này, tích-kê lĩnh bánh thêm này, thẻ vào nhà ăn này.
Cháu ký nhận đi. Tắm rửa và ăn trưa xong, cháu sẽ được bố trí vào ở nhà
tập thể. Đến lượt ai nào?
- Thưa cô, em này bị mất hết giấy tờ ạ, - Mi-sa dẫn người bạn được mình
đỡ đầu tới bên chấn song và nói. – Em ấy nhập vào đoàn chúng cháu ở giữa
đường và từ lúc đó ở luôn với đoàn chúng cháu. Em ấy được bác kia cho
lên xe đấy, các bác ra ga đón trẻ sơ tán ấy cô ạ…
- Bác Ba-bin Ghê-ra-xim I-va-nô-vích đấy mà, - người phụ nữ mách bảo.
- Nếu thế thì ổn cả rồi… Nhưng này, tại sao cháu ấy lại bé thế hả? – nhìn
mãi mà không thấy Cô-xchi-a sau chấn song, chị ngạc nhiên hỏi: - Bao
nhiêu tuổi?
- Em ấy không bé đâu cô ạ, chỉ hơi lùn thôi, - Mi-sa giải thích, vẻ mặt hết
sức nghiêm trang. – Tính đến thứ ba tuần trước em ấy chưa đầy mười lăm
tuổi đấy cô ạ. Cháu biết rõ mà. - Rồi anh nháy mắt với đám bạn đứng xếp
hàng đằng sau.
- Đừng có tếu nữa, - người phụ nữ nói, chị cũng mỉm cười. – Đây không
phải rạp xiếc, mà là phòng tổ chức cán bộ…Còn cháu, cháu hãy điền vào tờ
khai lý lịch này rồi đưa cho cô.