- Đãi được nhiều không? Một pút
hay một toa tàu?
- Lấy đâu ra một pút! Bố em không gặp may. Em nhiều khi còn may hơn.
- Vùng cậu có nhiều vàng không?
Người hỏi câu này là cậu bé mặt tai tái vừa nhai bánh mì xong. Cậu ta
chằm chằm nhìn Cô-xchi-a, cặp mắt sẫm màu mở to, ánh lên vẻ tò mò.
- Này, anh chàng hám tìm vàng, đừng có quấy rầy! – Mi-sa nói. - Có thấy
người ta đang bận đây không?
Hai anh em lại quay trở lại với bản lý lịch. Thì ra có một vài câu hỏi trả
lời rất dễ, chỉ cần gạch một gạch ngắn là xong. Tuổi đảng - một gạch
ngang. Như vậy nghĩa là không có tuổi đảng. Học vị, quá trình tham gia
vào các cơ quan dân cử, quá trình phục vụ trong quân đội – toàn gạch
ngang cả.
- Em có những ai là người thân thích? – Mi-sa hỏi.
- Anh Mi-tơ-ri ở ngoài mặt trận. Anh ruột em đấy…Còn chú em nữa. Em
đến chỗ chú em, nhưng chú em… cũng đã ra mặt trận rồi.
- Thế tại sao em không viết thư cho chú em trước đã rồi hãy đến?
- Làm sao em biết được là chú em đã ra mặt trận!
Nghe câu trả lời kỳ lạ ấy, Mi-sa tuyên bố như đinh đóng cột:
- Em đúng là một tay ngờ nghệch hạng nhất!
Bị gọi là “ngờ nghệch” lần nữa, Cô-xchi-a không chịu nổi. Mắt em nhoà
nước, đôi môi run lên. Viết xong mấy chữ: “Không còn ai nữa”, Mi-sa an
ủi:
- Đừng buồn, chú Lùn ạ. Vào nhà máy làm rồi sẽ ổn thôi. Chỉ có điều là,
em ít tuổi quá… Nhưng không sao. Có lẽ người ta cũng không để ý đâu.
Em ký vào đây, chúng ta nộp bản khai này rồi đi ăn.
Thế là ở một nhà máy quân giới không có tên, chỉ mang số hiệu, đã xuất
hiện cậu công nhân Cô-xchi-a.
Vào những ngày ấy, có hàng nghìn công nhân sơ tán đến U-ran. Trong số
đó có cả học sinh các trường học nghề và những thiếu niên đã mất cha mẹ
trong cơn dông tố chiến tranh. Nhiều thanh thiếu niên quê ở U-ran cũng
vào làm việc ở các nhà máy để giúp đỡ tiền tuyến.