VINH DỰ
C
a-chi-a nghỉ mười ngày ở khu gây rừng gần thành phố, và đó là những
ngày thật buồn cười. Em được uống sữa, em bị ép phải hít thở không khí
trong lành, và bác em, một phụ nữ không có con, cứ dỗ dành em dọn hẳn
đến đó. Rồi Ca-chi-a kể chuyện rằng chiếc đồng hồ ở nhà ông coi rừng
không chạy, mặc dù quả lắc vẫn đu đưa; còn lịch thì hoàn toàn chẳng có
tấm nào. Em rất buồn, và trong những ngày nắng ráo em thường lên núi Éc-
ma-cốp chơi. Từ trên núi, em nhìn thấy thành phố thân yêu. Ngồi trên một
tảng đá, Ca-chi-a nghĩ tới tất cả mọi chuyện cùng một lúc: em nghĩ tới nhà
máy, nghĩ tới bố em, nghĩ tới Nhi-na Páp-lốp-na và tới đội của em. Phải rồi,
em vẫn nghĩ tới đội của em luôn, bởi vì em không thể hình dung được là
làm sao em lại có thể sống nổi nếu thiếu đội sản xuất. Nếu Ca-chi-a biết đội
sản xuất cũng không muốn chia tay với người công nhân ưu tú nhất của
mình, thì có lẽ em đã chạy ngay về thành phố, không chào cả bác em nữa.
Ở nhà máy, thời gian cũng cứ thế nào ấy. Những giờ, những phút, những
giây tan biến đi lúc nào không rõ. Lúc đầu Cô-xchi-a tưởng đồng hồ nhanh
và còi sớm, nhưng không phải, chẳng qau đó là thời gian trôi vội vã. Việc
nọ dồn đẩy việc kia và kéo theo sau là việc thứ ba. Lệnh của ông giám đốc
đã được thực hiện; ba máy “Bu-sơ” nữa đã chuyển tới sau hàng cột. Ông
Ba-bin giúp Cô-xchi-a bố trí khu vực cho hợp lý. Phải sơn lại máy, phải lo
chuyện dụng cụ, phải theo dõi việc dẫn điện tới máy mới và chủ yếu là phải
giục thợ chế tạo dụng cụ, làm họ đến phát bực lên, để họ nhanh chóng chế
tạo các bộ phận trang bị cho máy gia công tinh theo bản vẽ của Ba-la-kin.
Bản thân Ba-la-kin thì Cô-xchi-a không thể trông mong gì được: đồng chí
đang chuẩn bị một món quà đón ngày Mồng một tháng Năm, đó là chiếc
băng tải toàn bằng kim loại mà Nhi-na Páp-lốp-na đặt làm để chuyển “cốc”.
Vì vậy, hầu như không lúc nào đồng chí rời phân xưởng nhiệt luyện.