bồi thường những thiệt hại do anh gây ra”. Cách ứng xử này tốt hơn
nhiều so với nguyên tắc “anh phải chấp hành đúng những gì nhà
nước quy định”. Các công ty thích phương pháp này hơn phương pháp
mệnh lệnh và kiểm soát vì họ cảm thấy quyền tự do lựa chọn của họ
được tôn trọng, và họ có thể kiểm soát chi phí sản xuất nếu chính
sách mua bán hạn ngạch xả thải được quy định rõ ràng. Nghị định thư
Kyoto, được lập ra nhằm kiểm soát các loại khí thải gây hiệu ứng nhà
kính, cũng chứa một cơ chế trao đổi (mua bán) được thiết kế rất
cụ thể nhằm giảm chi phí của việc hạn chế chất thải nguy hại môi
trường.
Khi áp dụng phương pháp bán hạn ngạch xả thải, giá cả các loại
hàng hóa gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất sẽ tăng lên và sức
mua sẽ giảm xuống. Hẳn nhiên không ai trong chúng ta thích đóng
thuế thêm, nhưng tăng thuế tiêu thụ xăng dầu sẽ buộc người ta
chọn những chiếc xe tiêu hao nhiên liệu ít hơn, hoặc hạn chế sử
dụng xe, hoặc cả hai. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe hơi sẽ có
nhiều lợi ích để phát triển những công nghệ mới đáp ứng nhu cầu
tiết kiệm nhiên liệu hay các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiệu quả tích cực của chương trình làm sạch môi trường không khí
và kiểm soát lượng mưa a-xít tại Mỹ là một thành công rõ ràng của cơ
chế mua bán hạn ngạch xả thải. So với chính sách mệnh lệnh và
kiểm soát, cơ chế này đã giúp tiết kiệm 357 triệu đô-la hàng năm
trong năm năm đầu tiên và người ta đặt chỉ tiêu 2,28 tỉ đô-la mỗi
năm cho 20 năm đầu tiên. Vì chi phí để thực hiện chính sách này
thấp hơn nhiều so với dự đoán, hệ số chi phí – lợi ích đặc biệt tốt
với chi phí tuân thủ luật là 870 triệu đô-la, trong khi lợi ích thu về từ
12 đến 78 tỉ đô-la. Đó là chưa kể giảm được gần 10.000 ca chết trẻ
và hơn 14.500 ca tử vong vì hen phế quản cấp tính.