Đó là lý do đầu tiên chúng tôi muốn duy trì quyền tự do lựa chọn.
Nhưng nếu quyền lợi của khu vực tư nhân đang đi theo bàn tay vô
hình nhằm tăng thêm lợi ích cho khách hàng của họ thì vấn đề
nằm ở đâu? Vậy thì điều chúng ta cần lo nhiều hơn chính là toàn
bộ các nhà kiến trúc lựa chọn, công cũng như tư. Chúng ta cần
thiết lập các quy tắc ràng buộc để giảm thiểu gian lận và những sự
lạm dụng khác, chẳng hạn để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hạn
chế quyền lực theo nhóm lợi ích và tạo ra nhiều phúc lợi hơn để
phục vụ lợi ích cộng đồng. Đối với cả hai lĩnh vực công và tư, mục
tiêu cơ bản phải là tăng cường tính minh bạch. Những đề nghị
RECAP khác nhau của chúng tôi được đặc biệt thiết kế để giúp
người tiêu dùng dễ dàng hình dung họ đang sử dụng bao nhiêu dịch
vụ và chi trả bao nhiêu cho các dịch vụ đó. Riêng trong lĩnh vực môi
trường, chúng tôi cho rằng việc công bố thông tin là một công cụ
giám sát hiệu quả và chi phí thấp.
Nhấn mạnh tác động của việc lập kế hoạch lựa chọn, chúng tôi
hy vọng các nhà thiết kế sẽ được cập nhật thông tin kịp thời và đầy
đủ hơn. Và, qua tranh luận nhằm tìm ra những hạn chế quyền tự
do trong những cú hích tồi, chúng tôi mong tạo ra một cơ chế bảo
vệ mạnh mẽ trước những kế hoạch thiếu cân nhắc hoặc không có
tính động viên. Tóm lại, nếu nói rằng lợi ích cá nhân là một cuộc
kiểm tra “độ lành mạnh” của các nhà quy hoạch, thì quyền tự do lựa
chọn là một chất điều hòa vô cùng quan trọng.
Quyền phạm sai lầm
Những người hoài nghi có thể lập luận nếu đã là một xã hội tự do
thì người ta có quyền va vấp và phạm sai lầm. Thực ra, sai lầm
đôi khi cũng có ích vì đó là một trong những cách chúng ta học hỏi.
Tuy nhiên, bạn có tin rằng trẻ con nên học về sự nguy hiểm của hồ
bơi bằng cách nhảy thẳng xuống hồ khi chưa biết bơi không?