Khách bộ hành trên đường phố Luân Đôn có cần phải bị xe buýt
hai tầng đụng vài lần để biết cách “nhìn bên phải” không? Bạn có
quyền phạm sai lầm, nhưng bạn cũng có quyền chọn cách phạm
sai lầm.
Trừng phạt, tái phân phối và sự lựa chọn
Một bộ phận trong số những người chỉ trích cực đoan đưa ra một
phản bác có thể làm bạn đọc bị sốc. Rằng họ không ủng hộ bất cứ
hình thức trao đổi nào. Họ không thích lấy của Peter trao cho Paul,
dù Peter rất giàu và Paul rất nghèo. Tất nhiên là họ cũng phản
đối cả biểu thuế thu nhập lũy tiến. Họ không chấp nhận những
chính sách hướng đến lợi ích của quần chúng yếu thế, nghèo khổ,
học vấn thấp hay nói chung không có đẳng cấp. Họ phản đối
không phải bởi vì họ thiếu sự cảm thông, mà vì họ nghĩ mọi sự trợ
giúp cho các nhóm này phải đến một cách tự nguyện từ khu vực tư
nhân, như các tổ chức từ thiện, và chính sách nhà nước chỉ phục vụ
cho những nhóm người khác (thường là nhóm có thế lực, giàu có,
học vấn cao hay có địa vị xã hội). Họ không thích bất kỳ chính sách
nào của nhà nước lấy đi các nguồn lực của họ để chia sẻ cho các
nhóm khác.
Thực lòng, chúng tôi không thể tán thành quan điểm cho rằng
mọi sự tái phân phối thu nhập đều không chính đáng. Chúng tôi
nghĩ rằng một xã hội tốt phải tạo ra những cuộc trao đổi giữa việc
bảo vệ những người kém may mắn với người may mắn hơn, đồng
thời khuyến khích phát huy sáng kiến và tự giúp bản thân vươn lên,
giữa việc chia sẻ với mọi người một phần nhỏ của cái bánh và nỗ lực
tăng kích cỡ của cả cái bánh. Theo quan điểm của chúng tôi, mức tái
phân phối tối ưu không phải là số 0. Ngay những người không
thích tái phân phối cũng có mối quan tâm, dù nhỏ, đến các chính
sách mà chúng tôi đề nghị. Trong phần lớn các trường hợp, việc tạo