sánh quảng cáo dưới ngưỡng với những cú hích khác cũng khá thú vị.
Chẳng hạn, nếu muốn người dân giảm cân thì một trong những
cách hiệu quả là đặt nhiều gương trong các tiệm ăn hay nhà hàng.
Thực khách có thể ăn ít đi nếu trông thấy mình đã đủ mũm mĩm
rồi. Thế được không? Tất nhiên cú hích này quả là hay, nhưng ngộ
nhỡ người ta chế ra những tấm gương, hay đặt hệ gương sao cho
chúng có thể biến những người đẫy đà thành thon gọn thì sao?
Để giải quyết vấn đề này, một lần nữa chúng ta lại dựa vào
nguyên tắc định hướng là sự minh bạch. Trong ngữ cảnh này, chúng
ta xác nhận điều nhà triết học John Rawls (1971) gọi là nguyên tắc
công khai. Ở hình thái đơn giản nhất, nguyên tắc công khai cấm
chính phủ không được chọn một chính sách không có khả năng hoặc
không muốn công khai trước người dân.
Chúng tôi cho rằng nguyên tắc công khai là một cơ sở hướng
dẫn tốt trong việc bắt buộc và thực hiện những cú hích ở cả khu vực
công lẫn khu vực tư. Ví dụ, khi các công ty đưa ra chương trình tự
động đăng ký tham gia quỹ hưu bổng, họ không hề bí mật gì và
thành thật mà nói, họ làm thế bởi vì họ nghĩ hầu hết nhân viên sẽ
có một cuộc sống tốt đẹp hơn qua chương trình này. Vậy các công
ty khác cũng có thể nói như vậy để buộc nhân viên mua cổ phiếu của
chính công ty họ không?
Đối với các quy tắc mặc định của pháp luật cũng thế. Nếu
chính phủ thay đổi những quy tắc ấy, dù để khuyến khích hiến
tạng hay giảm phân biệt chủng tộc, họ cũng không nên giữ bí mật về
những gì họ đang làm. Nếu nhân viên nhà nước biết cách sử dụng
từ ngữ khéo léo trên những bảng cấm xả rác, biển báo cảnh giác bọn
trộm cướp hay khuyến khích người ta hiến tạng, thì họ nên công
khai một cách rõ ràng cả phương pháp lẫn mục đích họ làm điều đó.