phối mạnh các phán đoán của họ; ngược lại, nếu những sự kiện đó
không in sâu vào tâm trí họ thì những đoán định theo phép tương tự
gần như không xảy ra.
Tính đại diện
Phương pháp tìm giải pháp qua kinh nghiệm thứ ba được đặt cho
một cái tên nghe rất “kêu” là Tính đại diện. Bạn có thể xem đó là
phương pháp đi tìm cái tương tự. Ví dụ khi được hỏi rằng phần tử A
có thuộc nhóm B hay không, người ta (đặc biệt là tư duy trực giác của
họ) sẽ trả lời bằng cách tự hỏi A giống B như thế nào về hình ảnh
hay khuôn mẫu (có nghĩa là A có thể “đại diện” cho B đến mức nào).
Giống như hai phương pháp đầu tiên (Ước định và Tính sẵn có),
phương pháp này được sử dụng vì nó cũng mang lại kết quả. Chúng
ta nghĩ cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp phải là một người Mỹ gốc
Phi cao hai mét, chứ ít ai nghĩ là một anh chàng Do Thái một mét sáu,
bởi chúng ta thường thấy có rất nhiều cầu thủ bóng rổ da đen cao
lớn, trong khi hiếm khi thấy một cầu thủ Do Thái nhỏ con. Phỏng
đoán qua so sánh khuôn mẫu đôi khi rất chính xác!
Một lần nữa, định kiến sẽ len lỏi vào tâm trí chúng ta khi tính
tương tự và tần suất có sự bất đồng với nhau. Minh họa nổi
tiếng nhất cho những định kiến kiểu này là thí nghiệm về một
người phụ nữ giả định tên là Linda. Những người tham gia thí nghiệm
được thông báo rằng Linda độc thân, 31 tuổi, trực tính và rất thông
minh. Cô học ngành triết, rất quan tâm đến vấn đề phân biệt
chủng tộc và công bằng xã hội. Cô cũng tham gia nhiều cuộc tuần
hành chống chiến tranh hạt nhân. Sau đó, họ được yêu cầu kể ra
theo thứ tự tám nghề nghiệp mà Linda có thể theo đuổi trong tương
lai. Hai câu trả lời được nhiều người đưa ra nhất là “nhân viên giao
dịch ngân hàng” và “nhân viên giao dịch ngân hàng và nhà hoạt động
nữ quyền”. Hầu hết mọi người nói rằng khả năng Linda làm việc