Lạc quan và Tự tin thái quá
Trước giờ học môn Ra Quyết định Quản trị, các sinh viên được
yêu cầu điền một bản khảo sát không ký danh trên một website.
Một trong những câu hỏi họ phải trả lời là “Bạn nghĩ xác suất bạn
được nhận vào lớp này là bao nhiêu phần trăm?”. Các sinh viên có
thể tham khảo danh sách mười người giỏi nhất, rồi mười người
tiếp theo và cứ tiếp tục như thế. Vì đây là sinh viên Cao học Quản
trị Kinh doanh nên họ ý thức rất rõ thứ hạng của mình trong lớp, có
lẽ một nửa sẽ đứng vào tốp đầu và một nửa ở tốp sau. Thực ra, chỉ
10% sinh viên trong lớp kết thúc khóa học với các thứ hạng cao
nhất.
Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát này cho thấy có một sự lạc
quan phi thực tế về kết quả học tập của lớp. Nhìn chung dưới 5%
sinh viên trong lớp cho rằng họ sẽ rơi vào tốp dưới trung bình và
50% cho rằng họ sẽ đứng vào tốp 20 sinh viên giỏi nhất. Và lúc
nào cũng vậy, nhóm đông nhất luôn tự đặt mình vào tốp mười
người thứ nhì.Chúng ta có thể giải thích điều này là do tính khiêm
tốn. Họ thực sự nghĩ rằng mình phải thuộc vào tốp giỏi nhất,
nhưng vì quá khiêm tốn nên họ đã không nói ra như thế.
Không chỉ có sinh viên MBA tỏ ra tự tin thái quá về khả năng của
họ. Hiệu ứng “trên trung bình” hiện diện ở khắp nơi. Có đến 90%
tài xế nghĩ rằng tay lái của mình “trên trung bình”. Và hầu như
tất cả mọi người (gồm cả một số người rất hiếm khi mỉm cười)
đều cho rằng mình có khiếu hài hước trên trung bình (vì họ biết
nhận ra những điều buồn cười!). Đối với các vị giáo sư đáng kính
tại các trường đại học lớn cũng thế, khoảng 94% trong số họ tin
rằng mình uyên bác hơn một vị giáo sư bình thường. Tất nhiên, mỗi
người đều có một lý lẽ riêng cho sự tự tin thái quá của mình.