đoán thuộc nhiều loại khác nhau. Hãy xem khám phá sau đây. Mọi
người được hỏi: “Trong các vấn đề sau, bạn nghĩ vấn đề nào là
nghiêm trọng nhất mà đất nước chúng ta đang đối mặt: suy giảm
kinh tế, chất lượng giáo dục, các hoạt động lật đổ chính quyền,
chăm sóc y tế, tội phạm và tham nhũng?”. Khi được hỏi riêng từng
người, có 12% trả lời là các hoạt động lật đổ, nhưng khi lập thành
những nhóm đồng thuận thì tới 48% chọn câu trả lời này!
Trong một phép thử tương tự, những người tham gia được đề
nghị đánh giá tuyên bố này: “Tự do ngôn luận nên được xem là một
đặc quyền hơn là một quyền công dân. Vì thế, nhà nước có thể
đình chỉ quyền này nếu thấy an ninh quốc gia bị đe dọa”. Khi
được hỏi riêng, có 19% số người trong một nhóm có kiểm soát trả lời
“đồng ý”, nhưng khi chia sẻ ý kiến với bốn nhóm khác, có đến
58% đồng ý. Kết quả này liên quan mật thiết tới một trong những
mối quan tâm lớn nhất của Asch, cũng là cách diễn giải tại sao chủ
nghĩa phát-xít có thể xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Asch tin
rằng sự đồng thuận có thể sản sinh ra một cú hích rất ổn định và
trên tất cả là tạo ra hành vi (gây nên những sự kiện như vụ
Jonestown) khó có thể tưởng tượng được.
Không chắc công trình của Asch có làm sáng tỏ được sự xuất
hiện của chủ nghĩa phát-xít hay những vụ như Jonestown hay không,
nhưng rõ ràng là áp lực xã hội đã và đang tạo ra những cú hích buộc
con người chấp nhận một số kết luận ngược đời. Và những kết
luận này có thể tác động đến hành vi của họ. Một câu hỏi hiển nhiên
là liệu các nhà kiến trúc chọn lựa có thể khai thác phương pháp tâm
lý học này để đưa con người đi theo những hướng tốt đẹp hơn không.
Ví dụ, giả sử chính quyền một thành phố đang ra sức khuyến
khích người dân rèn luyện thân thể để tăng cường sức khỏe. Nếu
nhiều người hưởng ứng và tham gia thì thành phố này đã tạo ra
những thay đổi đầy ý nghĩa chỉ bằng một lời kêu gọi. Một vài người