các nhà buôn thu được lẽ ra phải đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước,
bởi vậy phải giảm phần này đến mức thấp nhất. Nông nghiệp phải được
công nhận là một hoạt động có giá trị nhất của đất nước. Khi trình bày quan
điểm này, các nhà theo phái trọng nông đã chống lại chính sách hiện hành
của chính phủ là coi trọng thành thị hơn nông thôn, công nghiệp và thương
nghiệp hơn nông nghiệp, ngăn cấm việc xuất khẩu ngũ cốc để giữ giá rẻ
hơn có lợi cho thành thị và hạn chế nhập hàng ngoại đang cạnh tranh với
hàng công nghiệp trong nước.
Adam Smith chia sẻ quan điểm của những người theo phái trọng nông
về mặt chủ trương tự do thương mại và coi đó là một khía cạnh của “tự do
thiên nhiên”. Chính ông đã trình bày một quan điểm tương tự trong các bài
giảng và các cuộc tranh luận với các nhà buôn ở Glasgow. Ông không đồng
ý với các nhà theo phái trọng nông là nông nghiệp mới sinh lợi, nhưng ông
thừa nhận là nông nghiệp đóng một vai trò hàng đầu trong hoạt động kinh
tế. Tuy nhiên, ông chịu ơn các nhà trọng nông về một bản phân tích tài tình
do Francois Quesnai, lãnh tụ của nhóm này, biên soạn, đó là Bản phác thảo
kinh tế. Bản này trình bày dưới dạng biểu đồ cách thức mà theo đó giá trị
sản phẩm nông nghiệp hàng năm được “phân phối” giữa các nhóm kinh tế
khác nhau, một phần được chuyển từ các ngành sinh lợi sang khu vực
không sinh lợi. Mô hình này cho thấy vai trò của vốn như là một khoản tiền
ứng trước, một lượng của cải cần phải có trước mới có thể sản xuất được.
Một phần vốn này là cố định (đất đai, nhà máy và thiết bị) trong khi một
phần khác là lưu động (dưới dạng tiền lương trả cho công nhân và sản
phẩm bán ra) và như vậy cần phải bổ sung hàng năm. Ý tưởng chủ đạo của
bản phân tích là vấn đề cân bằng. Hệ thống được duy trì ở thế cân đối bằng
cách hằng năm sản xuất ra các sản phẩm mới để thay thế những gì được
tiêu thụ và bằng cách lưu thông tiền tệ và hàng hóa giữa các khu vực trong
xã hội. Smith đã sử dụng sơ đồ của Quesnai để phát triển thành lý thuyết
riêng của mình, nhưng tỉ mỉ hơn nhiều, đó là lý thuyết phân phối thu nhập
từ sản xuất, và ông ta có lẽ đã chịu ảnh hưởng của mô hình mà Quesnai đã
đưa ra là phải tìm cho được một hệ thống liên kết các hiện tượng.