tiết trong một bức họa đồ chứ không phải là chữ.
Tôi chép lại bức thư y hệt nàng đã viết, nhưng tôi thay đổi khoảng cách
giữa các chữ ở cuối mỗi dòng, để cho những chữ mang mật hiệu - nếu quả
thật tôi đoán không lầm - không còn nằm ở đầu dòng. Khi viết xong, tôi
xếp bức thư này theo đúng lối xếp của nàng và cất vào trong cái đáy giả của
hộp máy chữ. Đoạn tôi lấy một phong bì ở quầy tiếp tân của khách sạn và
bỏ bức thư chính hiệu của Monique vào trong đó. Bên ngoài phong bì, tôi
đề tên Đại úy Colin Andrews, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh, và
ghi thêm dưới hàng địa chỉ : "Xin trao lại cho Stuart Dunbar". Nếu quả thật
Đô Đốc Everett Jonas đã viết thư cho ông ta, chắc chắn ông ta sẽ nhận biết
cái tên này. Tôi dán tem và bỏ phong thư vào thùng ngoài hành lang gần
thang máy.
Tôi biết cần phải gọi điện thoại cho Dillingham, nhưng tôi bỏ ngay ý nghĩ
đó. Sau một lúc phân vân, tôi quyết định gởi cho ông ta một bức điện tín,
liền điện thoại xuống phòng gác để nhờ gởi đi :
Đã lên bờ, hiện tại Khách sạn Lovelace. Đau buồn về vụ Quen và Martin.
Sẽ điện thọai sau khi biết điều gì rõ ràng.
Tôi ký bằng cái tên Mackenzie. Tôi tin Dillingham sẽ thừa sức đoán biết
nguồn gốc nhờ ý nghĩa của bức điện tín.
Trong suốt khoảng thời gian còn lại của buổi sáng, tôi cố sức suy nghĩ. Tôi
không thu hoạch được một kết quả nào ở đây bởi vì không có kết quả để
thu hoạch.
Phương pháp sáng kiến hoàn toàn khác với phương pháp suy luận, và tôi
vốn quen thuộc với cách đầu hơn cách sau. Đa số các bài tôi đã viết cho
hãng Thông tấn đều là những bài sáng kiến, từ con người, nơi chốn, cho tới
mọi vật. Tôi không bao giờ thích kiểu giải thích bởi lẽ tôi không có tài giải
thích thật hay. Phương án sáng kiến có nghĩa là : bạn hãy ráng học tập mọi
điều liên hệ với vấn đề, rồi bỏ quên nó đi trong hai tuần lễ để cho nó chìm
sâu vào tiềm thức, và trong giai đoạn thứ ba tư tưởng của bạn sẽ nẩy mầm.
Tư tưởng sẽ nổi lên mặt biển bí mật đó. Khi tôi thử dùng phương pháp này
vào việc suy luận, các tư tưởng trôi lềnh bền như một lũ cá thu đã chết và
có mùi hôi.