Tôi biết cần phải làm gì nhưng tôi muốn nghe chính miệng Ted nói ra, nên
vẫn hỏi:
- Thế là chỉ có một máy vô hiệu hóa. Vậy tính sao bây giờ?
Ted quả quyết:
- Mình sẽ phá hỏng bộ máy trước khi trốn đi. Em có thể làm công việc này
ngay bây giờ. Có lẽ trên đó chỉ có một người.
Tôi lắc đầu.
- Không được đâu, vì nhiều lý do. Mình không có cách nào gửi thông điệp
ra ngoài để người ta có thể kịp thời tổ chức một cuộc tấn công trên đảo. Vả
lại các hỏa tiễn đã được dự trù để tự động phóng lên, trong trường hợp
những tủ điện hoặc đài kiểm soát bị trúng đạn. Mình phải phá hỏng máy vô
hiệu hóa ngay lúc trốn đi, giả sử mình có thể tẩu thoát. Mình không thể rời
khỏi nơi này trước mười hai giờ khuya ngày mai tức là giờ hẹn với tiềm
thủy đỉnh. Nếu mình phá máy bây giờ và tìm được cách ra khỏi đây, mình
phải chờ hai mươi tám tiếng đồng hồ nữa. Trên hòn đảo nhỏ xíu này, với
năm trăm người trang bị vũ khí, chắc chắn bọn chúng sẽ tìm ra mình trước
giờ hẹn – và chúng cũng có thể sửa chữa lại lại bộ máy hoặc thay thế bằng
một máy mới.
Ted cau mày:
- Tại sao mình phải chờ? Trong vịnh thiếu gì tàu?
- Những chiếc tàu được canh phòng cẩn mật. Mình không có hy vọng nào
đâu. Dù có chiếc tiềm thủy đỉnh đi nữa, hy vọng cũng rất mỏng manh. Trừ
phi mình cũng có thể phá hỏng luôn các hỏa tiễn.
- Không thể được. Hoặc có thể cũng không chừng? Để em nghĩ kỹ lại xem
sao. Điều rắc rối là toàn thể đã được ráp đầy đủ cho nên nếu mình phá hủy
tủ điện hoặc cắt đứt hệ thống dây tức là mình làm cho hỏa tiễn tự động
phóng lên. Kalwitz bảo rằng họ đã ráp hệ thống này để nếu có một cuộc tấn
công nào có thể thoát qua khỏi bộ máy vô hiệu hóa và bắn phá đài kiểm
soát, tất cả hỏa tiễn sẽ tiêu diệt mười hai đô thị lớn nhất của nước Anh.
Theo lời Anson thì bọn chúng đã thông báo điều đó trong bức tối hậu thư
gửi cho Thủ Tướng.
Tôi bảo: